Cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên

Đây là quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trình bày tham luận về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày tham luận sáng 19/7 (Ảnh: M.Minh)

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày tham luận sáng 19/7 (Ảnh: M.Minh)

Cải cách thể chế phải giảm được chi phí cho doanh nghiệp

Tại Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay (19/7), ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, về vốn, về nguồn lao động, thiếu nguyên vật liệu..., trong bối cảnh cạnh tranh diễn ra khốc liệt ở cả môi trường trong nước lẫn khu vực.

"Trong đó, khó khăn nhất vẫn là tiền; cụ thể là thiếu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh và trang trải những chi phí giúp vận hành quá trình ấy", ông Hiếu nói.

Như nhiều lần phát biểu trước, vị chuyên gia là đại biểu Quốc hội luôn đề cao biện pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó; song lần này ông nhấn mạnh, trong bối cảnh này "cải cách thể chế còn quan trọng hơn cả chính sách tài khóa và tiền tệ".

Đáng lưu ý, ông Hiếu cho rằng, yêu cầu và mục đích cải cách cần phải đạt mục tiêu cao hơn trước đây, và phải đặt trong bối cảnh có sự cạnh tranh với thế giới. Một trong những thước đo quan trọng của cải cách thể chế là không chỉ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính mà còn phải hướng đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Một trong những thước đo quan trọng của cải cách thể chế là không chỉ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính mà còn phải hướng đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo vị chuyên gia, luật pháp (thể chế) luôn tạo ra những tác động không mong muốn, cụ thể là thủ tục hành chính và đi kèm với nó là gánh nặng chi phí tuân thủ.

Về mặt lý thuyết, một quy định pháp luật có thể tạo ra tới 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.

Chẳng hạn, đối với quy định về định mức tái chế đang được bàn thảo, ngoài thủ tục hành chính, dự kiến những doanh nghiệp không tự tái chế sẽ phải nộp một khoản tiền cho Quỹ bảo vệ môi trường hay dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gia tăng chi phí cho doanh nghiệp...

Từ đó, ông Hiếu cho rằng, thách thức đầu tiên trong quá trình cải cách thể chế là phải cắt giảm được chi phí từ những quy định hiện hành, tiếp đó là chi phí mới có thể phát sinh từ những quy định sẽ ban hành, chi phí từ chính sách toàn cầu (ví dụ thuế carbon đối với một số nhóm hàng) và cuối cùng là chi phí phát sinh do cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia trong cải thiện môi trường kinh doanh (nước nào có môi trường đầu tư kinh doanh tốt thì chi phí tuân thủ thấp và ngược lại).

 Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" sáng 19/7

Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" sáng 19/7

Kiến nghị thành lập cơ quan giám sát, thúc đẩy cải cách thể chế

Gần đây nhất, ngày 13/7/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 644 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, Công điện nhấn mạnh 3 điểm: không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ, cải cách thể chế hiệu quả và bền vững, ông Phan Đức Hiếu đề xuất 3 nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, tập trung kiểm soát những quy định mới làm gia tăng chi phí. Trong đó phân ra làm 3 nhóm quy định:

Những quy định mới nếu thực sự chưa cấp bách thì đừng ban hành;

Những quy định cần thiết phải ban hành nhưng chưa thực sự cấp bách thì cần tính đến khó khăn của doanh nghiệp hiện nay để có lộ trình phù hợp, giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tuân thủ;

Những quy định cấp bách buộc phải ban hành ngay (như quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm đếm C02...) thì Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ tài chính trực tiếp (tiền) cho doanh nghiệp đảm bảo áp dụng đúng địa điểm, đúng nhu cầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, trong khó khăn, doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đôi khi hoạt động tái cơ cấu bị cản trở bởi một số quy định hiện hành.

Do đó, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, từng bước vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ Covid - 19.

Cần thiết phải nghiên cứu, xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, từng bước vượt qua khó khăn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thứ ba, về lâu dài cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên.

Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thể chế sẽ không hiệu quả.

Để thực hiện hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao nhiều thẩm quyền, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ví dụ như Hàn Quốc có "Ủy ban tổng thống về cải cách thể chế", Anh có "Hội đồng chịu trách nhiệm thể chế", Hoa Kỳ có "Văn phòng thông tin và thể chế"... Theo đó, Hội đồng này ở Anh có quyền bác đề xuất của bộ, ngành nếu chưa đủ tiêu chuẩn để trình Chính phủ còn ở Mỹ họ có quyền gửi trả lại dự thảo chính sách để yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa..., theo ông Hiếu.

"Trong tình hình Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên", vị đại biểu Quốc hội đề xuất.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-nghien-cuu-co-che-ben-vung-thuc-day-cai-cach-the-che-thuong-xuyen-post326084.html