'Cần nghiên cứu thêm về bãi cọc ở Hải Phòng'
Các nhà chuyên môn cho rằng cần nghiên cứu mở rộng để làm rõ bãi cọc Cao Quỳ ở Hải Phòng có liên quan đến trận chiến Bạch Đằng 1288 hay không.
Ngày 29/9, kết quả nghiên cứu bước đầu về khai quật bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng, huyện Thủy Nguyên, được công bố tại hội nghị Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 - năm 2020 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng.
Hai câu hỏi
Theo đó, với bãi cọc Cao Quỳ, có 2 đợt khảo cổ do Viện Khảo cổ học phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương thực hiện, phát hiện 40 cọc gỗ.
Từ những kết quả đó, nhóm nghiên cứu nhận xét sơ bộ bãi cọc Cao Quỳ không phải là cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh khác.
Cọc chủ yếu nằm ở tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập mặn ven sông. Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, lớp.
Bãi cọc được đóng từ bao giờ? Ai là chủ nhân bãi cọc? Đó là 2 câu hỏi đang được tiếp tục làm rõ.
Bước đầu, đơn vị nghiên cứu nhận xét sơ bộ di tích Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân triều Trần. Trận địa này có thể được dùng để chặn giặc, ngăn địch tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng.
Thời gian qua, những phát hiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và dư luận.
Chưa đầy một năm sau kể từ khi phát hiện, TP Hải Phòng đã cho xây dựng tuyến đường và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ với mức đầu tư hơn 430 tỷ đồng. Dự kiến, ngày 5/10, công trình này được đưa vào sử dụng.
Ý kiến trái chiều
Một ngày trước, gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa về TP Hải Phòng tham dự hội nghị nêu trên đã được đưa đến khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ tham quan.
Đa số đại biểu chia sẻ cảm nhận là thấy được sự quan tâm, đầu tư bảo tồn với di tích của TP Hải Phòng. Theo họ, trên thế giới đã làm rất nhiều, song các địa phương khác ở nước ta chưa làm được.
Dù vậy, nhiều luồng ý kiến khác nhau từ các nhà khoa học, khảo cổ học về kết quả khai quật bãi cọc cổ.
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử, cho hay việc bãi cọc Cao Quỳ có thuộc trận địa năm 1288 hay không đang có nhiều luồng ý kiến. Có người đồng ý, có người bày tỏ nghi ngờ. Ông nói đó là cách nhìn nhận của mỗi cá nhân.
Là người có mặt tại bãi cọc những ngày đầu tiên, ông Ngọc cho rằng kết luận bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận địa 1288 là có cơ sở. Bởi nơi phát hiện ra bãi cọc là vùng có vị trí vô cùng trọng yếu. Thời kỳ nào cũng phòng thủ ở đây, trước Công nguyên đến thời kỳ Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo và sau này.
Vì thế, theo ông, các cọc gỗ được ông cha có thể sử dụng đi sử dụng lại ở nhiều giai đoạn lịch sử. Điều đó dẫn đến xác định niên đại cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị carbon C14 cho ra các kết quả khác nhau.
TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Khảo cổ học, cho biết từ khi phát hiện và khai quật bãi cọc đến nay đã gần một năm. Việc này bước đầu hoàn thiện công cuộc nghiên cứu và khẳng định giá trị của bãi cọc.
Ông cho rằng bãi cọc này còn phân bố ở khu vực khác nên cần thống nhất giữa các bên để tiến hành mở rộng nghiên cứu, làm rõ hơn.
"Còn chúng tôi bước đầu xác định bãi cọc không phải di tích cư trú cũng không phải kiến trúc dân sự, mà đó là một chiến trận quân sự nhiều khả năng liên quan đến trận chiến quân dân nhà Trần chống Nguyên Mông năm 1288", ông nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học) lại nêu quan điểm rằng việc nhận định, kết luận sớm về bãi cọc Cao Quỳ là vội vàng.
Qua thực tế, ông cho rằng khu vực phát hiện là vịnh cổ chứ không phải dòng sông cổ vì xung quanh toàn là núi đồi. Về cấu tạo địa tầng, có lớp than bùn màu đen.
“Nguồn gốc than bùn là thảm thực vật thối rữa, tích tụ tại chỗ, không phải nơi khác mang đến. Nếu dòng sông cổ mà có lớp than bùn đó thì tuyệt nhiên không có, vì dòng chảy trôi đi hết”, ông lý giải.
Theo ông, cần có các nhà địa chất vào cuộc, khôi phục lại địa lý, cảnh quan và môi trường khu vực này như thế nào để xác định dòng chảy khu vực. Điều đó có thể làm được và cần phải làm sâu hơn nữa để đi đến kết luận cọc này có phải chống giặc ngoại xâm hay không.
"Một lực lượng khác cần vào cuộc là các nhà quân sự để xem tại sao tổ tiên cắm cọc ở đây? Quân giặc đi thế nào mà lại cắm ở đây? Chúng ta cần khiêm tốn và có trách nhiệm với di tích", ông nhấn mạnh.
Kết quả giám định chỉ để tham khảo
Chia sẻ việc kết quả sơ bộ nghiên cứu về bãi cọc Cao Quỳ dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) cho rằng điều đó là bình thường trong khoa học và sẽ còn tranh luận suốt đời.
"Nếu đồng thuận tất cả, cùng nhìn về một hướng thì nhàm chán. Khoa học phải có phản biện thì mới phát triển được", ông nói.
Quan điểm của ông là cần tôn trọng tất cả ý kiến và mọi chuyện đều có thể xảy ra. Khi nghiên cứu, các nhà khoa học, khảo cổ học dựa vào cứ liệu lịch sử và trên thực tế. Từ đó, họ đã nhìn về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Về việc xác định niên đại cọc gỗ bằng phương pháp đồng vị carbon C14, ông cho rằng đây không phải là kết quả cuối cùng, mà chỉ để tham khảo đối với các nhà khoa học.
"Cây to mọc cách đó vài trăm năm, nó ra kết quả một niên đại khác, cây nhỏ ngay thời kỳ đó có độ tuổi cách vài chục năm lại là một kết quả khác", ông lý giải.
Theo tiến sĩ Đông, muốn có kết quả cuối cùng phải cần có các cuộc nghiên cứu liên đa ngành. Còn bây giờ chỉ mới bắt đầu được một năm nên cần phải nghiên cứu thêm. "Vì thế, chúng ta cũng không nên đòi hỏi các nhà khoa học phải trả lời một cách chính xác lúc này", ông nói.
Cuối năm 2019, khi lao động, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc.
Qua kết quả khai quật, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học bước đầu đánh giá đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng vào năm 1288.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-nghien-cuu-them-ve-bai-coc-o-hai-phong-post1136443.html