Căn nguyên của cái ác
Khi mà câu chuyện về mâu thuẫn gia đình khiến anh thảm sát gia đình em, khiến con tấn công mẹ ruột đến tử vong, khiến chồng cột đá vào chân con nhỏ để cùng tự tử... vẫn đang được loan tải trên các phương tiện truyền thông, thì cũng là lúc rất nhiều người Việt bàng hoàng nhìn nhận lại căn nguyên cái ác hiện hữu do đâu.
Do lòng tham, do nhận thức, do những bí bách của đời sống hay đơn giản chỉ là bởi cú đánh số phận thường được sắp đặt sẵn.
Mấy chuyện buồn buồn
Nhiều năm trước ở Tòa án Nhân dân TP HCM có đưa ra xét xử một câu chuyện rất buồn. Cậu thanh niên quê quán hình như ở Cần Giờ, TP HCM thì phải, lâu quá tôi không nhớ chính xác lắm. Hôm đó trời chiều sâm sẩm, cũng đúng vào dịp cuối năm. Cậu thanh niên có uống chút rượu với bạn bè nên về đến nhà chân nam đá chân chiêu, cha cậu có trách mắng vì cuối năm không phụ gia đình dọn dẹp còn tụ tập bù khú với bạn bè.
Chuyện ban đầu chỉ có vậy cho đến lúc lời qua tiếng lại rồi bi kịch xảy ra. Nạn nhân là cha, còn hung thủ là con. Sau khi gây án, cậu thanh niên lẩn trốn khắp nơi, nhưng tơ trời tưởng thưa mà liền lạc. Cậu thanh niên bị bắt sau đó không lâu.
1. Ở sân tòa án trưa đó có nước mắt, bà nội thương đứa cháu đích tôn bị tuyên án chung thân nên cứ ngồi trong khuôn viên Tòa mắt đỏ hoe. Cả nhà bà chỉ có mỗi cậu cháu đang là sinh viên của một trường cao đẳng, một đứa cháu mà bà đặt cả kỳ vọng xế chiều của mình vào đó. Bà buôn bán từ ngày bé đến giờ, bà không biết nhiều về khoa cử nhưng bà tin cháu bà là sinh viên thì đương nhiên là giỏi lắm rồi.
Bà biết cậu con trai của bà hành xử nhiều lúc trái khoáy lắm, cứ nhậu say về là đánh con dâu. La thì bà cũng la rồi, mặt nặng mày nhẹ thì bà cũng làm nhiều lần rồi, ôm ấp vỗ về con dâu thì bà thực hiện nhiều năm nay rồi... Nhưng đáng tiếc là chuyện lại đâu vào đấy. Con trai của bà cứ say lên là đánh vợ chửi con, dằng dặc từ ngày này qua ngày khác không hề thay đổi.
Một trưa sau cơn say, con trai bà về nhà và nỗi bất hạnh gia đình ấy lại thêm lần tiếp diễn, con trai của bà vừa chửi vừa đánh con dâu. Thật ra thì con trai bà đã đánh con dâu của bà rất nhiều lần, rất rất nhiều lần. Và trong rất rất nhiều lần ấy, đa phần đều có cháu nội của bà chứng kiến trọn vẹn.
Trưa ấy sau lúc đánh vợ, con trai của bà vào phòng nằm lăn ra ngủ. Đứa cháu nội đang là sinh viên của bà kéo dây điện chỉ còn lõi đồng buộc vào chân của con trai bà, đầu còn lại cắm vào ổ điện. Là vụ án con ruột sát hại cha đẻ.
Xét luân thường đạo lý thì con giết cha là đại nghịch vô đạo, ở phiên sơ thẩm Tòa tuyên tử hình đứa cháu nội đang là sinh viên của bà. Sau bao lần đơn từ cứu xét, Tòa giảm mức án cho đứa cháu đang là sinh viên của bà còn chung thân.
"Chung thân thì mình còn cơ hội lên thăm cháu mỗi tháng, còn được nhìn thấy nó. Chứ tử hình thì biết làm sao...", bà nói với tôi như vậy, cũng là nhớ mãi câu nói ấy như vậy. Bởi câu chuyện này, mối nghiệt oan này với bà đã là quá sức chịu đựng rồi, nên tìm thấy niềm vui ở trong những mịt mù đó thì cứ cố mà hy vọng vậy.
2. Trong nhiều năm theo nghề báo của mình, tôi đã thấy, ngồi lại và trao đổi với rất nhiều những nhân vật của các câu chuyện mà có thể gọi đó là căn nguyên của cái ác.
Một người chồng sát hại vợ, một người cha sát hại con hay ngược lại... Sau cơn hung hãn thỏa mãn nỗi ghen tức, sau lần cuồng loạn muốn xả cho bằng sạch sự phẫn nộ đang gào thét trong lòng, sau một pha tranh cãi với mục đích tối thượng là giành phần thắng cho bản thân... tất cả còn lại chỉ là bi kịch, tuyệt đối không có người thắng người thua, người được cái này hay người mất cái kia, sau tất cả chỉ còn lại là nước mắt.
Đôi lúc, cái lý do để nước mắt tang thương có cơ hội nhảy bổ vào đời sống lại bắt nguồn từ chính nạn nhân.
Ở tỉnh gần TP HCM, có anh thanh niên làm rể gia đình khá giả. Anh thanh niên cũng hiền hạnh thôi, trai quê lớn lên dựng vợ gả chồng muốn dữ cũng không biết dữ với ai. Đời sống vợ chồng đang yên đang lành với hai cậu con trai nhỏ thì đột nhiên anh thanh niên quê ngày trước đâm ra ham mê đá gà. Ban đầu còn lén lút vợ đi đá, lâu dần rủ bạn bè về nhà bàn tính cáp độ đá công khai. Vợ giận lắm, can mấy cũng không nghe, nói mấy cũng không nghe.
Vợ dẫn hai con về nhà mẹ đẻ, quây cái lều bán nước ngoài lô cao su. Vợ dễ nhìn nên anh chồng ghen lắm, năn nỉ vợ về lại nhà hoài mà vợ không về. Một khuya, thanh niên tay dao tay rựa lẻn vào cái lều của vợ... Một câu chuyện kinh hoàng đã xảy ra.
Tôi vẫn tin trong thẳm sâu của mỗi con người là thiện lương, chỉ là trong những hồ đồ nhất định của tư duy, người ta bỗng chốc buông lơi mình để bản năng trỗi dậy. Mà bản năng trỗi dậy bao giờ cũng để lại những hậu quả không lường trước hết được.
Cái ác hiện hữu là do giáo dục, là do những bí bách của đời sống hay đó là những lung lay của các chuẩn mực đạo lý đã tồn tại qua hàng nghìn năm nay... Thú thật, tôi không thể nào đưa ra câu trả lời chính xác. Tôi chỉ cho rằng, khi cá nhân chỉ hướng đến sự thỏa mãn cho bản thân mình, hệt nhân sân si tham lam, thì không chuyện đau lòng nào lại không thể xảy ra.
Để không còn cái ác thì có lẽ người ta cần phải thương nhau hơn, và để thương nhau hơn thì cần phải biết bớt thương riêng mỗi bản thân mình lại. Nhưng để làm được điều này, có phải dễ dàng đâu?!
(Ngô Nguyệt Lãng)
Người Việt có ác không?
Tôi cảm thấy rất thú vị với một câu hỏi được đặt ra gần đây bởi một nhà sản xuất điện ảnh. Anh nói “Trong top 10 xu hướng thịnh hành trên YouTube thì có 2 cái liên quan đến án mạng. Xu hướng tìm kiếm và xem của người dùng ảnh hưởng đến quyết định chọn nội dung sản xuất của các bên sản xuất nội dung. Vậy giờ trách người xem hay trách người sản xuất?”.
Tất nhiên, câu hỏi và vấn đề đặt ra chưa chắc đã chuẩn xác. Người sản xuất nội dung chắc chắn sẽ tìm mọi cách để yêu chiều thị hiếu của người dùng nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng sẵn sàng vứt bỏ mọi luân lý để tạo ra những nội dung kích thích sự ác.
Đó không phải là họ mang sự ác trong người nhưng chúng ta cũng không thể chối bỏ rằng việc chứng kiến quá nhiều hành vi bạo lực và độc ác sẽ dễ nuôi trong tâm trí con người ta một tập quán “nhờn thuốc” với sự ác.Và hơn nữa, xu hướng kiếm tìm, xu hướng xem của người dùng chung quy cũng chỉ thể hiện cái cố tật tò mò của con người mà thôi. Nó y như việc người ta lập tức bu nhanh lại quanh một tai nạn hay sẵn sàng lao ra phố nhưng nấp vào đâu đó an toàn để chứng kiến hai đám trẻ trâu hăng tiết vịt đánh lộn với nhau.
Kể câu chuyện về câu hỏi ấy của nhà sản xuất điện ảnh kia ra, tôi không có mục đích nào ngoài việc muốn khơi gợi một luận bàn về chuyện môi trường chúng ta sống hiện nay có phải là một môi trường đang dung dưỡng cho cái ác hay không?
Hãy hình dung thế này: một người Việt ra nước ngoài du lịch và ở đó, anh ta bỏ hẳn thói quen đi bộ băng qua đường khi đèn giao thông đang đỏ. Có thể anh ta sợ chết, sợ dòng xe cuồn cuộn kia sẽ không chấp nhận ngưng lại vì một kẻ lao ra đường như cái cách ở Việt Nam vẫn hàng ngày tồn tại. Có thể anh ta xấu hổ, khi cả một đám đông chục người quanh anh ta đang đứng kiên nhẫn đợi tín hiệu đèn xanh. Có thể… rất nhiều có thể. Nhưng chắc chắn, ở một môi trường mà hành vi của ta trở nên nổi bật vì sự lố bịch của nó, ta sẽ không dám hành động.
Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng ta có thể chứng kiến sự ác mỗi ngày. Tôi có từng viết một tiểu luận nhỏ về thói bắt nạt học đường và trong đó tôi nhấn mạnh rằng ở Việt Nam không chỉ có bắt nạt ở học đường mà ở cả công sở, ở nơi công cộng, ở bất kỳ đâu đều tồn tại tình trạng bắt nạt cả.
Dường như chúng ta đang sống trong một môi trường mà lối hành xử được ưu tiên là “kẻ mạnh mới là kẻ có quyền” và do đó, mỗi người có cảm thức mình mạnh hơn đối phương sẽ tự cấp cho mình cái quyền được lấn át. Sự cấp quyền này có thể được thể hiện ở việc hai nhà liền kề kinh doanh cạnh tranh với nhau; hai người va chạm giao thông trên phố…
Cái sự “mạnh hơn” ở đây không đơn thuần là cơ bắp mà nhiều khi còn là vị thế trong xã hội, là tiềm lực tài chính. Và giữa một môi trường đầy rẫy những hành vi ức hiếp như thế, việc người ta tập dần với hành xử ức hiếp kẻ yếu hơn mình cũng là điều hiển nhiên.
Nhưng nếu chỉ đổ tội cho môi trường sống đơn thuần thì chúng ta mới chỉ nói đến phần “căn nguyên váng mỡ” mà thôi. Cái căn nguyên sâu xa hơn phải là thứ đã tạo ra cho từng con người trong môi trường ấy thói quen có hành vi độc ác với người khác.
Căn nguyên sâu xa này, nếu nói ra có thể bị coi là xa vời, sáo rỗng và giáo điều nhưng tôi nghĩ, tuyệt đối nó là căn nguyên có thật và cơ bản nhất. Đó là chuyện con người trong xã hội hiện đại đã và đang đánh mất đi những nền tảng đạo lý nguồn cội, những thứ đã tạo nên sự khác biệt giữa giống người và các giống loài khác.
Trong học thuyết kinh Vệ Đà, một trong những học thuyết lâu đời nhất của lịch sử loài người, có nhấn mạnh rằng loài người khác với loài vật ở chỗ loài người luôn mang một trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm lớn lao ấy là việc phải làm sao để vượt thoát khỏi luân hồi, và được về gần với Đấng Chí tôn hơn. Chỉ những kẻ không thể hoàn tất được trách nhiệm lớn lao thì mới bị đầu thai làm loài vật và khi có cơ duyên may mắn đầu thai làm người, họ phải làm mọi cách để tròn trách nhiệm lớn lao kể trên.
Cũng trong học thuyết Vệ Đà, những người ý thức được trách nhiệm của mình thì được gọi là sura và ngược lại, những ai xem thường trách nhiệm ấy thì bị coi là asura (quỷ dữ).
Trong Vệ Đà, linh hồn là thứ cao quý và ở mỗi kiếp luân hồi, thân xác chỉ là con thuyền và thế giới vật chất chính là đại dương. Và trong cuộc vượt đại dương ấy, điều mà con người cần nhất chính là sự quan tâm của họ tới sự giác ngộ, sự tuân thủ của họ với các quy luật của tự nhiên.
Những người đánh mất đi sự quan tâm ấy, chống lại các quy luật của tự nhiên chính là những kẻ không thể nào vượt qua được những cám dỗ tầm thường của thế giới vật chất. Mà quy luật tự nhiên cơ bản nhất là việc không được phép xâm hại, không được phép thủ ác với những người khác, giống loài khác.
Lôi một học thuyết ngàn năm ra để dẫn luận, thực chất tôi chỉ muốn nói về sự đánh mất đạo lý một cách có hệ thống trong xã hội suốt thời gian qua. Mà một trong những nền tảng của đạo lý (dù cho chúng ta có tôn giáo hay vô thần, dù chúng ta theo tôn giáo nào đi chăng nữa) chính là sự quan tâm và lòng yêu-thương.
Tôi chỉ ví dụ bằng vụ việc mới xảy ra ở Đan Phượng vừa rồi để minh chứng sức mạnh của yêu-thương là như thế nào. Nếu kẻ thủ ác khi vung hung khí lên và chợt trong một sát na hắn nhận ra rằng dưới tay hắn đang là một sinh linh bé bỏng hoàn toàn vô phương chống đỡ, rồi hắn thoáng liên tưởng đến hình ảnh của con ruột mình khi ở trạc tuổi đó chẳng hạn, liệu hắn có thể dừng tay? Tôi không tin rằng một thoáng hình ảnh hiện qua đó không đủ sức ngăn cánh tay thủ ác.
Nhưng thực sự, rất đáng tiếc là đã có quá nhiều cánh tay thủ ác đã không bị ngăn lại bởi những hình ảnh thức tỉnh. Đơn giản, chủ nhân của những cánh tay đó đã sống quá lâu trong một tâm thế xa rời sự quan tâm, xa rời lòng yêu-thương và luôn dễ dàng bị kích động bởi hận thù.
Và nhắc tới sự suy thoái của nền tảng đạo lý, chắc chắn chúng ta sẽ có người đổ lỗi cho giáo dục. Cái đó chỉ đúng một phần. Thực chất, đạo lý là thứ không thể để dạy dỗ mà nó là thứ phải được nuôi dưỡng. Giáo dục chỉ là một yếu tố rất nhỏ và một mình giáo dục không thể nào vực dậy được một nền tảng xa rời đạo lý quay trở lại với con đường chính đạo.
Đạo lý thực chất là một dòng chảy truyền đời và chính các thế hệ trước nuôi dưỡng nền tảng đạo lý cho những thế hệ kế tiếp mình. Sẽ khó có thể có chuyện môi trường giáo dục giúp cho một đứa trẻ phải chứng kiến một người cha “hạ đẳng huyền đai” hành hung mẹ ngay trước mặt mình nhiều lần lớn lên trở thành một người trưởng thành với xu hướng phi bạo lực.
Vậy thì người Việt có ác hay không? Tôi vẫn không cho là người Việt ác. Trong xã hội người Việt hôm nay, có những điển hình ác đang khiến môi trường đạo lý không được dung dưỡng tốt nhất và có dấu hiệu suy thoái.
Và trong môi trường ấy cũng có cả những điển hình rất ác, với cái ác không chỉ là những hành vi bạo lực đơn thuần. Những “rất ác” này có thể phi bạo lực, có thể diễn một vai mặt hiền như Bụt nhưng hậu quả để lại thì vài thế hệ sau phải gánh chịu chỉ bởi vì sự tham lam của họ, sự mù quáng của họ trong cuộc sống vẫy vùng trong thế giới vật chất này.
(Hà Quang Minh)
Thức ăn của cái ác
Cái ác trong xã hội bao giờ cũng có nhiều khuôn mặt khác nhau và nhiều căn nguyên khác nhau dẫn đến cái xấu ác đó.
Cái ác tất nhiên hiện diện rõ ràng trong chuyện người anh vác dao chém chết gần hết cả nhà em ruột chỉ vì nửa mét đất mặt tiền. Sự tăm tối và thiếu lương tri còn thể hiện ở việc người ta đứng nhìn và quay lại cái ác xảy ra để lan truyền trên mạng xã hội, sau đó một số báo mạng còn vô tư lấy về để câu view! Cái ác cũng ẩn mình trong những mớ rau có nhiều thuốc độc, những trái cây được nhúng hóa chất được bày bán ngoài chợ…
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cái ác đó, nổi lên một chữ “tham”. Và câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày này là tiền. Vì tiền mà người thân ruột thịt đành lòng xuống tay sát hại nhau; vì tiền người ta sẵn sàng bỏ qua lương tâm khi đầu độc đồng loại mình bằng những mớ rau trái có dư lượng hóa chất cao…
Minh họa: Hùng Dingo
Trong nhà Phật hay nhắc đến “tam độc” đó là tham - sân - si, đứng đầu là tham. Bởi dễ dàng thấy rằng, tham như một con ma dẫn dắt người ta đến vô số thứ xấu ác. Tham - sân - si thì hầu như trong mỗi phàm nhân đều có, nhưng mỗi người sẽ có mức độ không giống nhau. Có người cả đời lòng tham không có lấy một cơ hội để thức dậy, cả đời cũng hiếm khi thấy sự sân - si. Nhưng trái lại có những người bị “tam độc” đầu độc suốt đời.
Trong vụ anh trai chém chết gần hết cả nhà em ruột chỉ vì mâu thuẫn tranh chấp 0,5m đất giáp ranh, người ta thấy ở đó tận cùng của cái ác. Anh em như chân với tay, người này đau, người kia vui sướng được sao? Những tưởng sẽ chẳng có gì trên đời này có thể làm thay đổi tình anh em nhưng cũng có ngày, có người anh lạnh lùng cầm dao giết em, giết cháu mình một cách bình thản.
Tôi đã chứng kiến và đã nghe thấy rất nhiều câu chuyện người thân kéo người thân ra tòa, cũng như người thân đánh, giết người thân vì ruộng đất. Mới đây, trước khi cả gia đình người em ở Hà Nội ngã xuống dưới con dao của anh trai vì 0,5m đất thì ở Sóc Trăng, chú cháu đâm nhau chết giữa đồng, cũng vì miếng đất.
Nhiều lắm những câu chuyện vì đất, vì tiền hay nói chung là vì lòng tham như thế đã khiến người thân tương tàn nhau. Khi tham đã dẫn dắt, người ta dễ dàng đánh mất tất cả, kể cả tính người. Và khi tham trổi dậy thì cũng là lúc sân - si bắt đầu bộc phát, từ đó những hành động nông nổi và tăm tối nhất xuất hiện.
Nhưng cái sự tham ấy, cũng như phần ác thú trong mỗi con người chỉ có thể tồn tại, và phát triển trong điều kiện được nuôi dưỡng thường xuyên. Vậy điều kiện đó là gì? Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến một ý, đó là sự im lặng trước cái xấu, cái ác của xã hội. Đó chính là thứ thức ăn để nuôi dưỡng sự độc ác lớn lên, để người anh có thể lạnh lùng chém 5 người trong nhà người em trước mặt của đông đảo hàng xóm!
Trong vụ việc chấn động vừa qua, nhiều người đã tự hỏi rằng, rất đông hàng xóm đã làm gì khi chứng kiến gã anh trai máu lạnh xuống tay lần lượt với 5 người trong gia đình em ruột? Thật khó để trả lời trọn vẹn, có thể do người anh quá hung hãn không ai dám can ngăn, có thể họ sợ cho an nguy của mình và người thân, sợ liên lụy vào chuyện không hay… Tất cả lý do đó đều có thể hiểu! Song, giá thay vì chỉ biết đứng đằng xa la hét, giơ điện thoại lên chụp và quay clip để up lên mạng, ai đó với gậy gộc, gạch đá và với một lòng dũng cảm đủ lớn để xông ra can ngăn, bi kịch có lẽ sẽ ít hơn!?
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp dưới những tường thuật về cái xấu, kể cả sự vô cảm bao giờ cũng có rất nhiều bình luận của độc giả. Đó là những lời lên án, những sự phẫn nộ và không ít những niềm cảm thông. Đọc những dòng bình luận đó, người ta có thể an tâm vì trên đời vẫn còn nhiều người có lương tâm, biết phẫn nộ trước cái ác, biết đau lòng trước số phận không may của nạn nhân.
Song, có bao giờ chúng ta tự hỏi lương tâm đó ở đâu, sự phẫn nộ đó ở đâu khi không có ai can ngăn những hành động xấu ác đang diễn ra trước mắt? Có thể nói, sự phẫn nộ, bất bình chỉ là phản ứng nội tâm trong bất kỳ một con người nào khi nhìn đồng loại mình bị hành xử vô nhân tính. Tuy nhiên, sự phẫn nộ và lương tâm ấy đã không là động cơ để biến thành hành động theo lẽ phải.
Bạn sẽ làm gì khi có mặt nơi điều xấu xảy ra? Câu hỏi đó rất hiếm khi xuất hiện trong những dòng bình luận dưới mỗi bài viết về điều xấu xảy ra trên đường. Cũng dễ hiểu vì sẽ không mấy ai sẵn sàng trả lời một cách thành thật câu hỏi này.
Cách đây không lâu, có một hình ảnh thật sự làm tôi ám ảnh. Đó là có hàng chục, hàng trăm người lần lượt đi qua cô gái bị tai nạn giao thông giữa đêm khuya đang nằm giãy giụa, hấp hối. Có người dừng xe lại đi đến nhìn, nhưng rồi cũng bỏ đi, còn đa số thì chỉ lướt qua. Không một ai đưa cô gái đó đến bệnh viện cả và cô ấy đã chết sau đó, trên lề đường nơi xảy ra vụ tai nạn! Trước đó thì gã tài xế taxi gây tai nạn cho cô cũng đã làm điều tương tự, bước xuống nhìn và lạnh lùng bỏ đi…
Làm người tốt, có nghĩa là sẽ gặp rắc rối! Dẫu không dễ chịu nhưng thật sự phải thừa nhận rằng, đó dường như là bài học làm người cơ bản rất phổ biến ngày nay. Không để bị rắc rối vì làm người tốt đó là một lựa chọn hết sức khôn ngoan khi người ta đặt mọi giá trị lên bàn cân giữa “được” và “mất”.
Cái xấu, sự độc ác hay lòng tốt đều có động cơ để hình thành. Và người ta có rất ít động cơ cho lòng tốt khi mà giá trị của lòng tốt không còn được quan tâm trong hệ thống giá trị của con người. Người ta chỉ sẵn sàng xả thân vì người khác khi có tình yêu đối với con người, tình yêu đối với lý tưởng sống của mình, có nhu cầu thực sự được làm một người tốt. Nhưng, nhu cầu ấy không còn là đòi hỏi bức thiết đối với nhiều người nữa bởi có quá nhiều điều khác khiến con người ta phải mê mải chạy theo.
Cái xấu, ác sẽ tiếp tục mạnh lên nếu như thức ăn của nó là lòng tham và sự im lặng ngày càng nhiều. Không biết đến khi nào, ta mới thấy được rằng tất cả đều sẽ là vô nghĩa khi hằng ngày chúng ta phải đối mặt với cái ác, với sự vô cảm giữa người với người. Có lẽ đến khi đó, lòng tốt sẽ trở lại như một giá trị để cứu rỗi cuộc đời!
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/can-nguyen-cua-cai-ac-561796/