Cân nhắc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất đai cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện hơn, nhất là với việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp.
Chiều 30/10, theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Tại phiên thảo luận toàn thể trực tuyến, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.
Nhiều ý kiến đánh giá cao kết quả thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015 và 2016-2020) quốc gia. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như hiều chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch.
Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).
Góp ý cho dự kiến Quy hoạch, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ dẫn đến nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, trở thành lao động tự do.
Thực tế sau khi có dự án thu hồi đất lúa xong nhưng bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất; chưa kể một số địa phương vẫn để tình trạng tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác. Do đó, Đại biểu Hoa đề nghị xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất trồng lúa, khu vực cần chuyển đổi hoặc cần giữ.
“Về lâu dài, để phát triển kinh tế cần có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng cần hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa. Đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, Chính phủ cần tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp hơn và có giải pháp tăng giá trị lúa gạo”, Đại biểu Hoa nêu.
Cũng bàn về chỉ tiêu đất trồng lúa, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) đồng tình với việc giữ nguyên diện tích đất trồng lúa cho phù hợp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.
Tuy nhiên để đạt các mục tiêu đến năm 2030, Đại biểu Hùng nhận thấy, xu hướng công nghiệp hóa và phát triển đô thị để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là tất yếu. Đồng thời, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất của các ngành, trong đó có nông nghiệp, sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thì việc quy hoạch sử dụng đất đai cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện hơn, nhất là với việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp.
Đại biểu Hùng cũng đề nghị các vấn đề này cần được dự báo và điều chỉnh linh hoạt, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) thì nêu thực tế, thời gian qua, do quy định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên nhiều địa phương muốn làm nhanh đã chia nhỏ dự án dưới 10 ha đất lúa, dẫn tới tình trạng quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, các dự án sản xuất phi nông nghiệp bị manh mún, vừa lãng phí hạ tầng, vừa thiếu kết nối đồng bộ.
Từ đó, Đại biểu Thịnh đề nghị Quốc hội phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt. Việc này vừa phù hợp về logic vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất các vị trí đất này đã được Chính phủ phê duyệt nên khi chuyển mục đích sử dụng đất lại xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, không thực sự hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí.