Cân nhắc 'điều hơn lẽ thiệt' để sửa toàn diện Luật Công chứng
Luật Công chứng đang được nghiên cứu sửa đổi toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật, nghiên cứu lý giải thuyết phục hơn với các quy định mới.
“Bỏ quy hoạch không có nghĩa không có quản lý”
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Công chứng sửa đổi trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ, sáng 1/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự án luật được chuẩn bị công phu, sửa khá toàn diện khi luật hiện hành có 81 điều thì chỉ giữ nguyên có 9 điều, sửa 61 điều và bổ sung nhiều điều mới. Nội dung cơ bản phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới nâng cao dịch vụ này.
Nhấn mạnh công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo luật đầu tư, đồng thời đây là loại hình dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu và cơ bản, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguyên tắc Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, còn địa phương thực hiện chức năng quản lý theo quy định của pháp luật.
Luật Quy hoạch đã bỏ quy hoạch về sản phẩm dịch vụ, hàng hóa nên Chính phủ phải có chiến lược, định hướng phát triển trong từng giai đoạn, bộ quản lý phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thì địa phương có căn cứ làm.
“Trong này có nói tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhưng chưa rõ ai ban hành. Đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ. Chính phủ ban hành chiến lược, định hướng chung. Bộ Tư pháp phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập văn phòng hành nghề công chứng. Bỏ quy hoạch không có nghĩa không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác” – ông Vương Đình Huệ nói.
Dự thảo cấm công chứng viên tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Băn khoăn về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chưa phù hợp với Bộ luật Dân dự.
“Thông tin trên văn bản công chứng liên quan nhiều bên, mà Bộ luật Dân sự có nguyên tắc bí mật riêng tư không được xâm phạm. Giờ người yêu cầu công chứng đồng ý là tiết lộ thì quyền của người liên quan thế nào?” – ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Cũng băn khoăn về nội dung cấm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ hơn để tránh khi tổ chức triển khai thực hiện có sự hiểu không thống nhất. Cụ thể như cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình hay cấm tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong giao dịch mà mình nhận công chứng...
Dự thảo quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng, theo đó những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng... “Thời gian này có thể là quá dài, vì có đối tượng rất am hiểu pháp luật mà tập sự tới 12 tháng mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ công chứng viên thì cần xem lại cho phù hợp thực tiễn, giảm chi phí xã hội” – ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến.
Ý kiến khác nhau về độ tuổi hành nghề công chứng viên
Cho rằng quy định về công chứng điện tử, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, đất đai, thi hành án dân sự... là tích cực, song Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý việc công chứng viên có quyền khai thác, truy xuất thông tin nhưng dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng của công chứng viên trong bảo vệ tài khoản, bảo mật thông tin cũng như việc giải quyết hậu quả liên quan.
Dự thảo cũng quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi; đồng thời để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nie Thanh Hà cho rằng, đối chiếu với Bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành thì nên sửa lại theo hướng không quá 65 tuổi để đảm bảo sức khỏe.
Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên. Dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khỏe, bà cho rằng nếu quy định cứng “không quá 70 tuổi” có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, nên cần có quy định khả thi hơn.
Cân nhắc “điều hơn lẽ thiệt”
Được mời phát biểu ý kiến tại phiên họp, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI nói rằng, liệu sửa luật lần này có nên xã hội hóa mạnh và rành mạch hơn hay không. Bởi thành công lớn nhất thời gian vừa qua là xã hội hóa công chứng, người dân giảm được nhiều chi phí.
Đồng ý hoạt động công chứng cần phải quản lý nhưng Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng, cầm xem xét việc can thiệp của Nhà nước ở mức độ nào, đến đâu. Căn cứ vào quy định cấm thì ông cảm giác hơi chặt.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội rằng Nhà nước quản lý qua các quy chuẩn, điều kiện, tiêu chí, song ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh nếu công chứng là ngành nghề kinh doanh thì quan trọng vẫn là thị trường, ở nơi giao dịch phát triển mà chỉ cho phép lập 1 hay 2 văn phòng thì dễ độc quyền.
Báo cáo giải trình bước đầu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, pháp luật về công chứng có sự kế thừa và phát triển liên tục qua các thời kỳ. Luật lần này sửa khá cơ bản trên tinh thần cân nhắc “điều hơn lẽ thiệt”, các quy định, chính sách của Đảng, yêu cầu thực tiễn...
Ông cũng lưu ý một số vấn đề mang tính chất nguyên lý thì nên cố gắng nhất quán, vì “nếu cứ chạy theo có thể chưa chắc đã là đúng”, trong đó có nguyên lý tiếp cận và kế thừa, kinh nghiệm quốc tế của liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên.
“Công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp. Quan điểm các nước đã là nghề thì quản lý rất chặt. Đây cũng là dịch vụ công cơ bản do Nhà nước ủy nhiệm kèm theo các điều kiện với các tổ chức, Nhà nước nắm giữ quyền lực công nhưng có sự điều hòa...” – ông Lê Thành Long nói.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như giữa các quy định trong luật này; tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến để thẩm tra chính thức, gửi tài liệu tới đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 7 theo đúng thời gian quy định.