Cân nhắc độ tuổi cho trẻ học đọc
'Biết đọc viết sớm không mang lại hiệu quả rõ rệt đối với kỹ năng đọc hiểu của trẻ khi kiểm tra ở tuổi 15', nhà nghiên cứu giáo dục Anna Cunningham (Mỹ) kết luận sau nhiều năm quan sát và thống kê.
Vậy, cho trẻ học chữ từ tuổi nào là thích hợp nhất?
Áp lực học sớm
Giáo dục mầm non có mặt toàn cầu và tùy từng quốc gia, khu vực, trẻ được cho học chữ từ trước khi lên 4 hoặc 7 tuổi. “Con gái tôi bắt đầu học chữ từ năm 4 tuổi”, nhà báo Melissa Hogenboom (Anh) chia sẻ. Tại Anh, đây là độ tuổi bắt đầu học đọc viết điển hình. Có điều, nhìn cô bé vất vả nhớ cách phát âm các từ trong khi còn chưa nói sõi, Melissa bỗng thấy nghi ngại. “Có phải con bé đang có một khởi đầu quan trọng, cần thiết vì tương lai không, hay chỉ đang khốn khổ vật lộn với căng thăng và áp lực?”, cô tự hỏi.
Ngôn ngữ là nền tảng cơ bản, quyết định sự phát triển của trẻ ngay từ khi mới hình hài. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, thai nhi có phản ứng với tiếng nói và khuyến khích các bậc cha mẹ đọc sách, nói chuyện với bé.
Đọc viết là một phần của ngôn ngữ. Hầu hết phụ huynh đều nghĩ, sớm cho trẻ tiếp xúc với chữ và luyện phát âm sẽ tác động tích cực lên thành tích học tập sau này. Tại nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… các trường mẫu giáo sớm lồng ghép yêu cầu đọc, viết, cho trẻ học chữ từ trước năm lên 4 tuổi. Nhiều trường còn đặt nó làm trọng tâm, rèn giũa trẻ đọc thông viết thạo.
Cũng tại các quốc gia này, phụ huynh đốc thúc trẻ học sớm. Ngoài cho con theo học các trường công, họ còn tìm kiếm gia sư, trường tư, học viện… Cuộc “chạy đua giáo dục” giữa họ tất yếu dẫn đến chênh lệch trình độ học vấn giữa trẻ cùng độ tuổi. Năm 2001, Mỹ phải ra quy định: “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Hệ thống giáo dục Anh lại xếp đặt cho trẻ mới 5 – 6 tuổi làm bài thi, đánh giá trình độ đọc hiểu để sàng lọc, hỗ trợ những em bị tụt lại.
Tại 2 quốc gia châu Á “cuồng” học sớm, Trung Quốc và Hàn Quốc, thời gian vui chơi của học sinh mẫu giáo còn bị cắt giảm triệt để… Lịch trình học của một số trẻ mới 3, 4 tuổi còn dày đặc hơn cả thí sinh ôn thi.
Tác dụng không nhiều
Học đọc sớm giúp trẻ giỏi nhận mặt chữ. Tuy nhiên, báo cáo giáo dục gần đây nhất từ Anh lại chỉ ra, sự nhận diện này rất sáo rỗng. Các bé chỉ đọc đúng phát âm của từ chứ không hề biết nghĩa. Khi áp dụng vào đọc văn bản, các bé có thể đọc vanh vách từng chữ, nhưng không hề hiểu nội dung.
“Việc biết đọc và viết sớm không liên quan nhiều đến kỹ năng đọc hiểu”, Giáo sư Alice Bradbury (Mỹ) gợi ý. Theo bà, giáo dục nên xem xét lại về cách dạy đọc, viết. Thay vì máy móc ép trẻ học thuộc lòng mặt chữ, chúng ta nên để trẻ từ từ tiếp xúc và làm quen với từ vựng thông qua ngữ cảnh, câu chuyện, bài thơ, bài hát…
Đề xuất của Bradbury được nhiều người quan tâm. Một vài quan sát gần đây đã chỉ ra, những gì trẻ “học gạo” được từ mầm non sẽ sớm “bốc hơi”. Nó cũng giống như đọc thuộc lòng, chỉ giúp ghi nhớ trong lúc nhát, sau đó sẽ biến mất.
“Đối với đọc hiểu, chẳng có thủ thuật nào cả”, nhà nghiên cứu giáo dục Sebastian Suggate (Đức) cho biết. Ngay với người lớn, chuyện hiểu nghĩa của từ cũng phụ thuộc vào nhận thức và hiểu biết của họ về thế giới. Biết đọc sớm không đồng nghĩa với hiểu nghĩa của từ sớm. Nó có thể mang lại lợi thế trong “kiểm tra chính tả”, nhưng không can hệ đến hiểu nội dung.
So sánh trình độ đọc hiểu ở học sinh tuổi 15 học chữ sớm và muộn hơn, Suggate nhận ra không có sự khác biệt. Bà kết luận, học đọc sớm là không cần thiết. Ngoài việc không (hoặc quá ít) tác dụng cho đọc hiểu, nó còn khiến trẻ căng thẳng, tự ti. Trên tất cả, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là “dạy đọc, viết”. Trẻ không nhất thiết phải biết đọc trước khi vào lớp 1, vì chúng còn có cả 3 - 5 năm để tiếp xúc và thành thạo ngôn từ.
Muộn không hề tệ
Tìm hiểu các nền giáo dục thế giới, Melissa nhận ra kết luận của Suggate rất đáng lưu tâm. Tại quốc gia được đánh giá “hệ thống giáo dục tốt nhất toàn cầu” – Phần Lan, trẻ chỉ bắt đầu học đọc khi đã lên 7 tuổi, chậm hơn trẻ ở Anh và Mỹ đến 3 năm. Thế nhưng, khi kiểm tra trình độ đọc hiểu ở tuổi 15, thành tích của học sinh Phần Lan lại nhỉnh hơn học sinh Anh, Mỹ.
Ở các quốc gia cho trẻ học đọc năm 6 tuổi như Đức, Iran, Nhật Bản, trình độ đọc hiểu của các em khi ở tuổi 15 cũng không thua kém bất cứ nền giáo dục nào.
Thực tế chỉ ra, trẻ học hỏi hiệu quả hơn khi các em tự phát sinh và chạy theo hiếu kỳ. Càng hiểu biết về xung quanh, các bé càng tiếp cận nhanh hơn với đọc hiểu. Học đọc muộn hóa ra lại khá lợi ích. Năm 2006, Mỹ từng so sánh trình độ đọc hiểu giữa trẻ học đọc sớm và muộn hơn. Họ phát hiện, trẻ học đọc muộn không chỉ bắt kịp trình độ nhanh, mà còn vượt qua trẻ học đọc sớm.
Trước khi lên 7 tuổi, trẻ em Phần Lan không cần phải học bất cứ thứ gì. Các trường mầm non ở đây đều tràn ngập sân chơi, trò chơi. Giáo viên mầm non Hà Lan có duy nhất nhiệm vụ trông và hướng dẫn học sinh chơi. Năm 2009, Đại học Cambridge (Anh) đề xuất nên học hỏi Hà Lan và đẩy độ tuổi học chữ của trẻ lên 6 tuổi, nhằm “cho trẻ có thời gian phát triển tự nhiên ngôn ngữ và các kỹ năng học tập thiết yếu trước”. Tuy nhiên, không chỉ Anh mà hầu hết các quốc gia cho trẻ học đọc sớm vẫn chưa cách nào chấm dứt nỗi nóng vội của phụ huynh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/can-nhac-do-tuoi-cho-tre-hoc-doc-zPOff8E7R.html