Cân nhắc khi bỏ dải phân cách cho phù hợp

Mới đây, UBND TP.Biên Hòa cho tháo dỡ dải phân cách trên đường 30-4, đoạn từ vòng xoay Biên Hùng đến khu vực giao đường Trịnh Hoài Đức. Đồng thời, yêu cầu Phòng Quản lý đô thị tổ chức rà soát một số vị trí có dải phân cách được các đơn vị chức năng và người dân cho là chưa hợp lý để có hướng xử lý.

Dải phân cách trên đường 30-4 đã được tháo dỡ, tạo điều kiện cho người dân hai bên đường làm ăn, buôn bán. Ảnh: Phương Liễu

Dải phân cách trên đường 30-4 đã được tháo dỡ, tạo điều kiện cho người dân hai bên đường làm ăn, buôn bán. Ảnh: Phương Liễu

Bên cạnh các ý kiến đồng thuận với chủ trương của thành phố, vẫn có một số ý kiến lo ngại về vấn đề an toàn giao thông (ATGT) khi tháo bỏ dải phân cách vốn tồn tại hơn chục năm nay.

* Nhiều người đồng tình

Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa vừa cho tháo dỡ dải phân cách khoảng 700m trên đường 30-4, đoạn từ vòng xoay Biên Hùng đến khu vực giao với đường Trịnh Hoài Đức.

“Trước khi quyết định tháo dỡ dải phân cách trên, UBND P.Trung Dũng đã tổ chức lấy ý kiến người dân về dải phân cách ở trục đường 30-4. Hầu hết hộ dân khi được hỏi đã đề nghị tháo dỡ dải phân cách để thuận lợi cho việc buôn bán, đi lại ở tuyến đường này... Trên cơ sở ý kiến của người dân và của Công an TP.Biên Hòa cùng nhiều đơn vị khác, TP.Biên Hòa quyết định tháo dỡ dải phân cách trên để tạo thuận lợi cho người dân” - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho hay.

Chủ tịch UBND P.Trung Dũng Phạm Thị Nguyệt Thu cho biết, dải phân cách trên đường 30-4 được lắp đặt hơn 10 năm qua, UBND phường thống nhất việc tháo dỡ dải phân cách trên toàn tuyến đường này vì thấy nó không còn phù hợp nữa. Việc tháo bỏ dải phân cách sẽ giúp lưu thông thông thoáng, tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời hạn chế xung đột giao thông tại điểm trước cổng Trường THPT Ngô Quyền.

Trên đường 30-4, đoạn trước cổng Trường THPT Ngô Quyền có biển báo cấm ô tô quay đầu nhưng nhiều trường hợp không chấp hành, nhất là vào cao điểm (giờ vào học và tan trường), gây ùn tắc giao thông. Khi bỏ dải phân khách sẽ chấm dứt được tình trạng xe máy đi ngược chiều từ hướng vòng xoay Biên Hùng đường 30-4 vào chợ đêm (đường Trịnh Hoài Đức) và đi từ các con hẻm dọc đường 30-4.

“UBND P.Trung Dũng đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến của 79 hộ dân ở dọc hai bên đường 30-4, kết quả 69 hộ đồng ý bỏ dải phân cách, 10 hộ còn lại chưa nhất trì vì còn lo ngại xảy ra tai nạn giao thông” - bà Thu cho biết.

* Cần gia tăng các biện pháp đảm bảo ATGT

Sở dĩ các hộ chưa nhất trí gỡ bỏ dải phân cách là vì lo ngại khi làn đường không được phân định rõ các phương tiện sẽ dễ va quẹt vào nhau. Khu vực đường 30-4, các hộ mặt tiền đều kinh doanh mua bán nên rất khó tránh khỏi việc người dân thường băng ngang tùy tiện gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của các phương tiện lưu thông, tạo nguy cơ tai nạn…

Ngoài ra, trên một số diễn đàn xã hội còn có ý kiến cho rằng, bỏ dải phân cách là đi ngược với xu thế chung. Hiện nay, việc phân tuyến giao thông theo mỗi chiều đi riêng biệt bằng dải phân cách là giải pháp bảo đảm an toàn được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Đơn vị chức năng TP.Biên Hòa đang rà soát các vị trí có dải phân cách được các đơn vị cho là chưa hợp lý trong nội ô thành phố để có đánh giá và đề xuất tháo dỡ theo đúng quy định, an toàn cho người tham gia giao thông. Cụ thể: Dải phân cách ở đường 30-4 (đoạn từ ngã tư Biên Hùng đến Trường THPT Ngô Quyền, P.Trung Dũng), dải phân cách trên đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn từ ngã tư Tân Phong đến công viên 30-4, thuộc 2 phường: Tân Hiệp, Hố Nai) và dải phân cách trên tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ (từ ngã tư cầu mới đến trạm thu phí, P.Bửu Long).

Là một trong số hộ dân nhất trí việc bỏ dải phân cách trên tuyến đường trên, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ KP.1, P.Trung Dũng) cho rằng, dải phân cách trên tuyến đường 30-4 đã gây cản trở giao thông lâu nay cẩn tháo bỏ. “Con đường này vốn hẹp nên không nhất thiết phải có dải phân cách. Mất dải phân cách đường sẽ thông thoáng hơn, mỹ quan đô thị sẽ đẹp hơn. Vấn đề ATGT phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông nhiều hơn, chứ không hẳn là do dải phân cách” - ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) thì cho rằng, các con đường nhỏ trong nội ô thì không nên lắp dải phân cách làn đường, như vậy đường sá trông thông thoáng, đẹp hơn và việc buôn bán của hộ dân cũng thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo ATGT, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT như: đặt các biển báo cấm dừng, đậu xe hoặc biển cấm dừng, đậu xe theo giờ… Đặc biệt, các tuyến đường nội ô trong thành phố nên đặt biển cấm xe tải ben; đơn cử như đường Huỳnh Văn Nghệ, nếu xe tải vẫn đi song hành thì việc bỏ dải phân cách cần cân nhắc để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Chia sẻ với những ý kiến trên, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho biết, thành phố không đồng loạt tháo dỡ dải phân cách các tuyến đường nội ô. Chỉ thực hiện tháo dỡ một đoạn đường 30-4, UBND TP.Biên Hòa yêu cầu Công an thành phố chủ trì theo dõi, đánh giá tình hình giao thông trên tuyến đường 30-4 sau khi thực hiện tháo dỡ dải phân cách. Trên cơ sở báo cáo đề xuất thực hiện trên toàn tuyến theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, sau khi tháo dải phân cách, đơn vị chức năng sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo ATGT như: sơn kẻ tim đường để phân chia làn xe ngược chiều, kẻ vạch phân chia dòng xe cùng chiều, bố trí tổ chức giao thông tại các vị trí giao cắt gồm: trước công viên Biên Hùng giao với đường Trịnh Hoài Đức và trước khu vực cổng Trường THPT Ngô Quyền, đồng thời bố trí các biển báo theo quy định…

“Lực lượng công an và các đơn vị chức năng của TP.Biên Hòa đang thực hiện kháo sát, đánh giá lại hệ thống biển báo hiệu giao thông ở các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, có biện pháp tháo dỡ hoặc bổ sung biển báo hợp lý, khoa học để thuận lợi trong điều tiết giao thông cũng hạn chế tai nạn giao thông, ùn tắc…” - ông Trương Vĩnh Hiệp cho biết thêm.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202302/can-nhac-khi-bo-dai-phan-cach-cho-phu-hop-3156493/