Cân nhắc kỹ khi tăng tuổi hưu ở khu vực doanh nghiệp

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc rất kỹ, đặc biệt ở khu vực thị trường nếu không sẽ dấn đến phản ứng tiêu cực...

 Tăng tuổi nghỉ hưu có thể gây tác động nhiều hơn đối với khu vực doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Tăng tuổi nghỉ hưu có thể gây tác động nhiều hơn đối với khu vực doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn nhất nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Xung quanh câu chuyện này, nhiều chuyên gia vẫn tha thiết cho rằng, vấn đề cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận là "vẫn chưa cảm thấy yên tâm" với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi luật này. Không phủ nhận đây là thách thức của tất cả các nước, song theo ông, với Việt Nam lại đến nhanh hơn do quá trình già hóa dân số. Do đó, để bảo đảm tính bền vững của quỹ an sinh xã hội thì việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phải đặt ra.

Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, việc xử lý tác động ở khu vực hành chính sự nghiệp sẽ dễ hơn, nhưng với khu vực thị trường chắc chắn sẽ gặp trở ngại ở cả hai phía vì chủ doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi, còn người lao động cũng không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Với danh mục hơn 1.700 ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm dự thảo đưa ra cho phép nghỉ hưu sớm hơn 5 năm, theo ông Huân là chưa ổn. Bởi vì, suy cho cùng quỹ bảo hiểm hưu trí là theo nguyên tắc đóng hưởng, "không ai bù cho ai", nhà nước bảo lãnh chỉ cho cách đầu tư làm sao đảm bảo an toàn, chứ không thể bỏ tiền ra để trả cho người nghỉ hưu được.

"Đây là câu chuyện tôi nghĩ cơ quan làm chính sách phải suy nghĩ rất thận trọng. Mai kia tăng tuổi nghỉ hưu thậm chí cũng phải tính lại phần tích lũy", ông Huân nhấn mạnh và cho rằng, mục tiêu là phải đảm bảo cân bằng giữa đóng và hưởng.

Do đó, xung quanh vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là câu chuyện phải tính rất cẩn thận, kể cả Quốc hội quyết định mà phần đông người dân phản ứng thì sẽ rất khó khăn trong thực hiện, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp.

Như vậy, khi người lao động không đồng thuận và phản đối chính sách thì chính doanh nghiệp lại phải chịu sức ép. Đơn cử như tổ chức đình công, biểu tình và không đi làm, cuối cùng doanh nghiệp lại phải kêu gọi người lao động đi làm lại và vẫn phải trả lương.

"Rõ ràng là phản đối chính sách của nhà nước nhưng doanh nghiệp lại chịu ảnh hưởng trực tiếp. Do vậy, bài toán tăng tuổi nghỉ hưu là vô cùng khó, dẫu biết rằng đây là thách thức mà trong quá trình phát triển Việt Nam phải giải quyết, nhưng lộ trình thế nào tôi nghĩ cần cân nhắc rất kỹ", ông Huân nhấn mạnh.

Vị nguyên Thứ trưởng cũng khẳng định, nếu quy định cứng ngay trong bộ luật thì sẽ bị phản ứng và đề xuất nên linh hoạt giao cho Chính phủ quy định. Tất nhiên, như vậy trách nhiệm của Chính phủ sẽ nặng nề hơn, nhưng chúng ta sẽ có độ trễ để cân nhắc lựa chọn được phương án "êm" hơn và không gây sốc cho thị trường lao động.

Về vấn đề này, ông Mikanao Tanaka, Giám đốc bộ phận nhân sự, công ty THHH Canon Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ Nhật Bản, rằng nước này cũng đã phải trải qua quá trình thảo luận rất dài mới đi đến quyết định tăng tuổi nghỉ hưu.

"Nếu Việt Nam quyết định tăng tuổi hưu thì cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định, đặc biệt phải điều tra lấy ý kiến người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp một cách rất phổ biến, để xem họ có muốn tăng tuổi hưu hay không, cũng như xem xét tổng thể nền kinh tế Việt Nam", ông Mikanao Tanaka cho biết.

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, dự thảo chỉnh lý Bộ luật Lao động hiện quy định 2 phương án. Phương án 1 là phương án Chính phủ trình, kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của của nam là 62 vào năm 2028.

Phương án 2 là luật chỉ chốt tuổi, còn giao Chính phủ quy định lộ trình. Theo đó, kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60.

Về tuổi nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 tuổi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (hiện có 1.748 nghề, công việc trong 8 văn bản) để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.

Một số công việc có tính chất đặc thù như: xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non…sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đó thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp với độ tuổi. Trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì sẽ có quyền nghỉ hưu sớm.

Với trường hợp tuổi nghỉ hưu cao hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/can-nhac-ky-khi-tang-tuoi-huu-o-khu-vuc-doanh-nghiep-20191022170324693.htm