Cân nhắc kỹ trước lựa chọn ngành nghề

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 được xem là một trong những cột mốc quan trọng trước khi Luật Giáo dục sửa đổi bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Theo đó, quy chế thi năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như kỳ thi năm 2019. Tuy nhiên, trước những biến động của thị trường lao động, xu hướng chọn ngành của học sinh đang bắt đầu có sự thay đổi...

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Sáng 5-1, tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020 do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ở Trường THPT Phú Nhuận, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng theo Luật Giáo dục hiện hành.

Theo đó, tất cả học sinh đều phải tham gia thi THPT quốc gia mới được xét tốt nghiệp với tỷ lệ 30% điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình học tập năm lớp 12; 70% còn lại là điểm bài thi THPT quốc gia.

Năm nay, các trường đại học (ĐH) vẫn tiếp tục duy trì nhiều phương thức xét tuyển như sử dụng kết quả bài thi THPT quốc gia, xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT hoặc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.

Điểm mới trong xét tuyển ĐH năm nay là có thêm nhiều trường ưu tiên tuyển thẳng đối với học sinh đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liền ở bậc THPT.

Học sinh Trường THPT Phú Nhuận đặt câu hỏi tại buổi tư vấn tuyển sinh diễn ra vào sáng 5-1

Học sinh Trường THPT Phú Nhuận đặt câu hỏi tại buổi tư vấn tuyển sinh diễn ra vào sáng 5-1

Trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc xác định tính cách, điểm mạnh và hạn chế của bản thân trước khi đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp, Th.S Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa Khách sạn - Nhà hàng, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết, để xác định tính cách bản thân là hướng nội hay hướng ngoại, học sinh nên tham gia các bài kiểm tra trắc nghiệm với nhiều câu hỏi, tình huống đa chiều để có đánh giá đầy đủ chứ không nên dựa vào nhận xét cảm tính, chủ quan của mình, dễ dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp.

Theo Th.S Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, xu hướng đào tạo hiện nay ở các trường ĐH đang mở rộng theo hướng song ngành, tức sau khi kết thúc các học phần của một chuyên ngành, sinh viên sẽ được chuyển tiếp qua một chuyên ngành đào tạo khác giúp mở rộng nhiều hơn cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Thậm chí, trong cùng chuyên ngành đào tạo, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, đưa ra dẫn chứng, không phải ai học tâm lý sau khi ra trường đều trở thành bác sĩ tâm lý mà có thể công tác tại bộ phận nhân sự, chăm sóc khách hàng của công ty, doanh nghiệp hoặc làm giáo viên tâm lý ở trường phổ thông.

Quan tâm kỹ năng ngoại ngữ

Nhằm giúp học sinh có đủ hành trang trước khi vào ĐH, ông Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc ĐH Greenwich Việt Nam - cơ sở TPHCM, so sánh, nếu như ở các trường phổ thông, tiếng Anh được xem là một trong những môn học thì khi lên ĐH, tiếng Anh sẽ trở thành công cụ để học tốt các môn học còn lại. Vì vậy, ngay khi ngồi trên ghế trường phổ thông, học sinh phải trang bị kỹ năng ngoại ngữ để có thể học tập tốt ở trường ĐH.

Hiện nay, ở hầu hết các trường ĐH, sinh viên năm nhất sẽ được kiểm tra trình độ tiếng Anh để phân loại và xếp lớp, từ đó đưa ra lộ trình đào tạo phù hợp. Những bạn nào chưa đủ điều kiện ngoại ngữ sẽ được đề nghị tăng cường học phụ đạo - sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động, học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 cần có ý thức soạn đơn xin việc, tìm hiểu yêu cầu lao động của các doanh nghiệp để từ đó biết mình đang có gì, còn yếu những kỹ năng nào nhằm tiếp tục bổ sung trong 3-4 năm ĐH, tránh tình trạng chọn trường ĐH cho có rồi sau khi tốt nghiệp không biết làm gì, hoang mang trước những đòi hỏi về việc làm của doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo Th.S Phạm Thị Xuân Hiền, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Việt Đức, giới trẻ hiện nay đang nở rộ trào lưu “gap year” (một năm gián đoạn - PV), tức là thay vì học ĐH trước rồi mới gửi đơn đi xin việc thì gián đoạn việc học một năm để đi làm, sau khi có kinh nghiệm thực tế mới quay lại trường ĐH nâng cao trình độ.

Nhiều trường hợp các bạn trẻ sau khi đi làm một năm, vì mải mê kiếm tiền nên không quay lại tiếp tục việc học. Do đó, trước khi đưa ra lựa chọn phù hợp, học sinh nên tham khảo ý kiến của giáo viên và phụ huynh để có định hướng phù hợp.

Theo các chuyên gia, vào ĐH chỉ là điều kiện cần. Để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao trong xã hội, người học phải tự trang bị thêm cho mình kiến thức ngoại ngữ và tin học, có kỹ năng giải quyết và xử lý vấn đề, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống. Một lưu ý khác cũng hết sức quan trọng là các em không nên chạy theo ngành “hot”, đăng ký ngành học theo tâm lý số đông mà nên cân nhắc theo sở thích, khả năng của bản thân, tránh tình trạng sinh viên ngồi nhầm lớp, ra trường không tìm được việc làm gây lãng phí thời gian, công sức và nguồn nhân lực xã hội.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-nhac-ky-truoc-lua-chon-nganh-nghe-638934.html