Cân nhắc lựa chọn nguyện vọng phù hợp để tránh tình trạng điểm thi cao nhưng vẫn trượt
Ngày 19/4 tới sẽ là thời hạn học sinh Hà Nội phải nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Ngoài việc lưu ý các thông tin cá nhân, học sinh cũng cần cân nhắc lựa chọn đăng ký nguyện vọng (NV) phù hợp để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng điểm thi cao nhưng vẫn trượt.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, năm học 2024-2025, toàn thành phố hiện có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Trong đó, tuyển vào trường THPT công lập khoảng 81.200 học sinh; tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên khoảng 51.800 học sinh. Như vậy, chỉ có khoảng hơn 60% học sinh lớp 9 được vào lớp 10 THPT công lập.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký NV dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Học sinh phải sắp xếp các NV này theo thứ tự ưu tiên: NV1, NV2 và NV3. Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, trong số 3 NV này, NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn cho phép các trường nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Mặc dù về mặt lý thuyết, mỗi học sinh có 3 NV đăng ký xét tuyển vào lớp 10 công lập không chuyên, tức là cơ hội trúng tuyển của các em là rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế các năm gần đây từng có hiện tượng học sinh có học lực khá, điểm thi cũng khá cao nhưng vẫn trượt cả 3 NV. Nguyên nhân cơ bản là do việc lựa chọn NV của các em chưa sát với năng lực học tập, việc sắp xếp thứ tự các NV đăng ký xét tuyển chưa phù hợp, khoảng cách giữa các NV chưa đảm bảo độ an toàn.
Ngoài ra, tỷ lệ “chọi” vào các trường THPT trên địa bàn có nhiều biến động khó lường trong khi các em không được điều chỉnh NV sau khi đăng ký cũng là nguyên nhân khách quan khiến bản thân học sinh cũng khó có thể đưa ra dự đoán chính xác, dễ dẫn đến rủi ro. Vì thế, Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến cáo các gia đình học sinh trong quá trình lựa chọn NV dự tuyển vào lớp 10 trường công lập cần lưu ý 3 yếu tố: Năng lực học tập của học sinh (căn cứ kết quả khảo sát hằng tháng và năng lực học tập hằng ngày); điểm chuẩn vào lớp 10 của trường trong 3 năm trở lại đây và khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường để bảo đảm học sinh không phải đi học quá xa. Học sinh và gia đình cần tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ các NV trước khi điền vào phiếu đăng ký dự tuyển để bảo đảm các thông tin đăng ký chính xác bởi học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Để đảm bảo an toàn khi lựa chọn NV đăng ký xét tuyển vào lớp 10 công lập, nhiều giáo viên cho rằng, nếu học sinh chọn NV1 vào trường thuộc tốp đầu thì NV2 phải chọn vào các trường có mức điểm chuẩn hằng năm thấp hơn trường tốp đầu ít nhất 2-3 điểm. Tương tự, chọn NV3 nằm trong tốp có điểm chuẩn thấp hơn trường đặt NV2 khoảng 2-3 điểm. Cô Dương Ngọc Lan, giáo viên Trường THCS Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) khuyên thí sinh nên tìm hiểu về trường mình dự định đăng ký xét tuyển gồm các thông tin như chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn hằng năm và đối chiếu năng lực bản thân để có những tính toán phù hợp.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên xin ý kiến đánh giá, nhận định của thầy cô giáo giảng dạy các môn để biết được năng lực của học sinh ở mức độ nào trước khi đăng ký vào các trường THPT công lập. Ngoài ra, học sinh cũng cần chú ý đăng ký theo đúng quy định về khu vực tuyển sinh, phân bố NV theo 3 mức để an toàn. Chẳng hạn trường NV1, NV2 nên cách xa về điểm chuẩn an toàn từ 3-5 điểm trở lên, trường NV3 nên là một trường có thể cùng hoặc không cùng khu vực nhưng điểm chuẩn ở mức không cao, thậm chí thấp.