Cân nhắc mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên

Đề xuất giữ nguyên trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật

(HNMO) - Thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-1-2020, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ việc mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên.

Quang cảnh phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cơ bản đồng tình với báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Đối với vấn đề phạm vi hoạt động của hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, hòa giải viên của địa bàn nào thì nên hoạt động trong địa bàn đó. Lý giải quan điểm này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong dự án Luật đã giao cho Chánh án Tòa án quận, huyện, thị xã ấn định số lượng hòa giải viên phù hợp với địa bàn để phù hợp với số lượng, nhu cầu công việc. “Nếu hòa giải viên đi qua địa bàn khác sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thừa cục bộ, rất khó quản lý”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói.

Ngoài ra, trong dự án Luật đã quy định, sau hai năm bình xét sẽ loại đi 10% hòa giải viên có hiệu quả công việc kém. Việc loại bỏ hòa giải viên là do tập thể hòa giải viên trên địa bàn bỏ phiếu quyết định. Nếu hòa giải viên đến địa bàn khác làm việc thì những người còn lại sẽ không biết hiệu quả công việc để đánh giá. “Tuy nhiên, về lâu dài cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lựa chọn hòa giải viên có khả năng”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, hiện nay cần quản lý hòa giải viên theo hướng quản lý Hội thẩm nhân dân của từng tòa, địa bàn nào quản lý địa bàn đó để bảo đảm chặt chẽ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ sự thống nhất trước mắt thực hiện theo dự thảo Luật của Tòa án nhân dân Tối cao đã trình về quản lý hòa giải viên, về lâu dài sẽ tiến hành rút kinh nghiệm để đưa ra giải pháp phù hợp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên phải được cân nhắc kỹ, bởi đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn và cần có đánh giá tác động cụ thể.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được tiếp thu, chỉnh lý. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ vấn đề mở rộng phạm vi hoạt động của hòa giải viên được nêu trong dự án Luật.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/955222/can-nhac-mo-rong-pham-vi-hoat-dong-cua-hoa-giai-vien