Cân nhắc quy định cấp phép khai thác khoáng sản

Cho ý kiến vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản, nhiều đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, quy định việc gia hạn đăng ký thời gian khai thác khoáng sản cũng như làm rõ hơn về việc đăng ký khai thác khoáng sản nhóm 4 tránh dẫn tới việc vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng trầm trọng, khó đảm bảo yêu cầu nâng cao năng lực hiệu quả trong quản lý nhà nước về khoáng sản.

Theo đại biểu Phạm Công Long, cát là vật liệu quan trọng phục vụ cho các công trình xây dựng, giao thông, do đó việc quy định đăng ký thay vì cấp phép tại nhóm khoáng sản 4 sẽ tiềm ẩn nguy cơ “cát tặc” tiếp tục lộng hành. Đại biểu cho rằng, đăng ký và cấp phép là 2 thủ tục pháp lý khác nhau, việc cấp phép chính là nhà nước xác nhận quyền, nghĩa vụ của một tổ chức cá nhân được phép khai thác và việc xác định phạm vi, khu vực được khai thác, thời gian khai thác và trữ lượng được khai thác, đây là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể đấu tranh đối với “cát tặc”.

Liên quan đến giấy phép khai thác khoáng tại khoản 4 Điều 59 đang quy định thời gian khai thác khoáng sản gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác, thời gian đóng cửa mỏ được xác định theo dự án đầu tư nhưng không quá 30 năm và được gia hạn nhiều lần không quá 20 năm, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, quy định này không phù hợp.

Cũng theo đai biểu, đối với những ngành, lĩnh vực đặc thù trong đó có ngành than, việc quy định cấp phép khai thác chỉ được 30 năm có thể sẽ ảnh hưởng chiến lược phát triển của ngành, khi các doanh nghiệp của ngành này đã đầu tư các phương tiện, máy móc hiện đại để có thể hoạt động tới 70 năm.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-nhac-quy-dinh-cap-phep-khai-thac-khoang-san-234096.htm