Cân nhắc quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng với cả người đã ly hôn

Để phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định cho đúng và đủ hành vi bạo lực gia đình; do đó thảo luận chiều 26/10, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung vào dự thảo luật những hành vi bạo lực gia đình; đồng thời tiếp tục cân nhắc việc quy định hành vi bạo lực cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn.

Qua đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành liên quan, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng để bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, dễ tiếp cận, dễ thực hiện tránh trùng lặp về hành vi bạo lực gia đình, dự thảo luật cần phân chia hành vi bạo lực gia đình thành 6 nhóm trên cơ sở khách thể bị bạo lực gia đình.

Ông ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Nhóm 1 các hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhóm 2 các hành vi xâm phạm nhân phẩm danh dự, nhóm 3 các hành vi xâm phạm sở hữu kinh tế, nhóm 4 các hành vi xâm phạm quyền tự do của con người quyền tự do dân chủ của công dân, nhóm 5 các hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, nhóm 6 các hành vi xâm phạm an toàn công cộng trật tự công cộng ý kiến"

Đại biểu Phạm Văn hòa đề nghị tiếp tục rà soát kỹ một số nội dung bạo lực gia đình, cũng như việc mở rộng thêm một số đối tượng tại khoản 2 dự thảo Luật.

Ông PHẠM VĂN HÒA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Bạo lực gia đình mở rộng thêm một số đối tượng theo tôi chưa hợp lý đó là anh chị em của người đã ly hôn và người đã ly hôn, mà áp dụng chung cho việc phải thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi... là người thân của người mình đã ly hôn. Đề nghị không áp dụng với người đã ly hôn và anh chị em đã ly hôn vì đã ly hôn rồi thì không còn trách nhiệm với những đối tượng nêu trên."

Theo Luật hôn nhân gia đình năm 2014, thuật ngữ “gia đình” được giải thích là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Dẫn chiếu từ quy định này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc phân tích, do người đã ly hôn không còn quan hệ hôn nhân, nên sẽ không phù hợp và khó khả thi khi dự thảo luật quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng cho cả với đối tượng này.

Bà HUỲNH THỊ PHÚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:"Nghị định số 144 năm 2021 quy định việc xử phạt hành chính trong các lĩnh vực như an ninh trật tự phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống bạo lực gia đình đã rất cụ thể các mức xử phạt tương ứng với các hành vi như xâm hại sức khỏe tại điều 52, xúc phạm danh dự nhân phẩm tại điều 54, cô lập xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên điều 55 và ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tại điều 56. Như vậy để đảm bảo tính thống nhất giữa các luật có liên quan và tính khả thi thực tiễn kính đề nghị quốc hội xem xét bỏ nội dung hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 điều này cũng áp dụng đối với người đã ly hôn".

Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhóm đối tượng đã ly hôn, ly thân, có quan hệ gia đình trước đây lâu nay vẫn xảy ra vi phạm về bạo lực, nhưng lại đang là một khoảng trống. Vì vậy, phải đưa nhóm đối tượng này vào để áp dụng tương tự như thành viên của gia đình. Đồng thời điều này cũng không sai với các quy định hiện hành.

Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-nhac-quy-dinh-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh-ap-dung-voi-ca-nguoi-da-ly-hon