Cân nhắc quy định ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ
Trước tình trạng các ngân hàng thương mại liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua BHNT, mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn từ những hệ lụy để lại đã nhìn thấy rõ trong thời gian vừa qua.
Dẫn số liệu thanh tra 4 công ty bảo hiểm của Bộ Tài chính năm 2023, Đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn Bắc Giang cho biết tỷ lệ khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm sau năm đầu lên tới 70%, chịu mất không số phí đã nộp.
Và chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán bảo hiểm qua ngân hàng thương mại đã có mức phí khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỉ đồng. Đặc biệt, phần phí từ hợp đồng bảo hiểm đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong lợi nhuận các ngân hàng.
"Xin nêu số liệu năm 2020 của một số ngân hàng, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế là 23.050 tỷ đồng. Chi phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng của cổ đông là 9.596 tỷ đồng. Chi phí trả trước Ngân hàng được hưởng đã là 8.400 tỷ đồng", ông Phạm Văn Thịnh cho biết
Lợi ích lớn này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến người dân như thời gian qua. Đã 2 lần cho ý kiến về việc ngân hàng làm đại lý bảo hiểm nhân thọ trong Dự án Luật các TCTD ở các kỳ họp trước, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng đại biểu Phạm Văn Thịnh vẫn còn băn khoăn và tiếp tục góp ý lần thứ 3:
"Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, tôi cho rằng nếu dự thảo luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung Khoản 2 Điều 113 là Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua."
Đại biểu nêu thực tế, tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
Thậm chí, cho rằng hệ lụy của sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng lên người dân đã rất nghiêm trọng, đại biểu Phạm Văn Hòa còn đề nghị không cho phép các ngân hàng liên kết bán bảo hiểm: "Khi anh thành lập công ty bảo hiểm thì anh phải có trụ sở bảo hiểm mà trụ sở bảo hiểm thì không có. Thí dụ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà chỉ có 2 trụ sở bảo hiểm mà thôi. Nguyên các tỉnh như vậy đó. Khách hàng mà khi người ta có chuyện gì đến ngân hàng lúc ta mua bảo hiểm thì mấy anh chị Ngân hàng cho rằng bây giờ chỉ qua Long Xuyên qua Cần Thơ. Mà tôi ở Đồng Tháp lại chỉ qua Cần Thơ Khiếu Nại, Khiếu Kiện."
Qua 3 kỳ họp, các quy định của dự thảo luật đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chỉ rõ vẫn còn tình trạng người dân vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm gây tác động xấu đến hoạt động tín dụng.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị: "Quy định đồng bộ giữa các luật với nhau bằng việc cụ thể hóa hơn về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong việc nếu để xảy ra tình trạng bán bảo hiểm mà với hình thức là ép hoặc là bắt buộc là người có nhu cầu sử dụng vốn vay vốn phải mua bảo hiểm".
Ở chiều ngược lại, đại biểu Phạm Đức Ấn, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Agribank đồng tình với quy định cho phép ngân hàng được làm đại lý bảo hiểm theo quy định pháp luật. Vấn đề là cần quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát thay vì cấm.
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn: "Vấn đề hoạt động đại lý bảo hiểm ngân hàng thì quốc tế, họ đều làm cả vấn đề. Như giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đưa vào quy định là thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm và phù hợp với quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi là hoàn toàn phù hợp và chúng ta không nên vì những chuyện nọ chuyện kia chúng ta cấm mà chúng ta cần phải có cơ chế để giám sát việc này để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan".
Thay vì Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 như Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lùi tới 1/1/2025.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua vào sáng 18/1 tới đây.