Cân nhắc thấu đáo quy định 'trực thuộc' để đảm bảo tính chất cốt lõi của tổ chức MTTQVN
Ngày 16/5/2025, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023. Tại hội nghị góp ý nhiều quan điểm đề cập đến nội dung của Khoản 2 Điều 9 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ VN
Khoản 2 Điều 9 Hiến pháp 2013 hiện hành quy định: “Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong MTTQ VN”. Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ VN, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ VN; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ VN”.
Tại hội nghị lấy ý kiến, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ VN, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn; đồng thời tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Từ góc độ của Hội LHPN Việt Nam, để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc hoạt động của MTTQ VN được quy định Khoản 1 Điều 9 là “tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội”; đảm bảo thực hiện “cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp hành động”; đồng thời phù hợp với chủ trương tại Kết luận số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 BCH TW Đảng khóa XIII “Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ…” và Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025 của Ban Tổ chức Trung ương đã xác định nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã theo hướng giữ nguyên tư cách pháp nhân của các tổ chức chính trị - xã hội, vừa bảo đảm hoạt động của các đoàn thể trực thuộc MTTQ VN, vừa đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối), đề nghị nghiên cứu sửa lại nội dung dự thảo theo hướng: “Các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là thành viên trực thuộc MTTQ VN …”.
“Với địa vị pháp lý là thành viên trực thuộc, các tổ chức chính trị xã hội vừa thực hiện được đầy đủ quyền và trách nhiệm của tổ chức thành viên, vừa đảm bảo thống nhất hành động trong MTTQ VN; cơ quan chuyên trách của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chịu sự quản lý, lãnh đạo của cơ quan MTTQ VN cùng cấp”, theo Hội LHPN Việt Nam.
Có cần sử dụng từ “trực thuộc”?
Tham gia hội nghị góp ý, theo TS. Nguyễn Văn Pha – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, về cụm từ “trực thuộc MTTQ VN” tại Khoản 2 Điều 9 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp “đây là vấn đề rất mới. Tôi biết đây là chủ trương của cơ quan có thẩm quyền nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức của MTTQ VN và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong thực tế cũng như trong học thuật, khái niệm “trực thuộc” thông thường được hiểu là mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trực tiếp và thường được sử dụng trong quan hệ hành chính, kinh tế. Vì thế, đề nghị cần cân nhắc thấu đáo khi sửa dụng từ này để đảm bảo tính chất cốt lõi của tổ chức MTTQ VN là “tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên”. Tôi thấy trong dự thảo đã có cụm từ “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ VN”. Tôi cho rằng ý này rất hay và chỉ cần thế là đủ, không cần phải sử dụng từ “trực thuộc”.
Theo ông Đặng Đình Luyến nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự thảo Nghị quyết quy định các tổ chức chính trị - xã hội nêu trên “trực thuộc” MTTQ VN là chưa chính xác và chưa thống nhất với các quy định khác trong dự thảo nghị quyết về mối quan hệ của các tổ chức chính trị - xã hội với MTTQ VN là tổ chức thành viên của MTTQ VN. “Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại đoạn đầu khoản 2 Điều 9 của Hiến pháp như sau: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội, là các tổ chức thành viên của MTTQ VN”.
Ông Lê Việt Trường nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội nhận định: “Nhìn chung, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của dự thảo Nghị quyết cơ bản là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc quy định 5 tổ chức chính trị-xã hội gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức trực thuộc MTTQ VN là vấn đề cần được xem xét thêm”.
Theo ông Lê Việt Trường, tiếp cận dưới góc độ ngữ nghĩa, “trực thuộc” theo giải thích của nhiều từ điển là “chịu sự lãnh đạo trực tiếp vào một chủ thể cấp trên”. Theo đó, câu hỏi đặt ra với địa vị pháp lý là một chủ thể trực thuộc thì tổ chức và hoạt động của 5 tổ chức kể trên có còn bảo đảm được những đặc trưng bản chất của mỗi tổ chức, đó là thành lập tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên và hoạt động trên nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trong MTTQ VN không.
Thực tế cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy gồm có “tổ chức chính” và “các tổ chức trực thuộc” được áp dụng rất phổ biến, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mô hình này có một đặc điểm chung là tổ chức trực thuộc chỉ có địa vị pháp lý độc lập tương đối, còn những vấn đề quan trọng về tổ chức, nhân sự, tài chính …về cơ bản phải chịu sự chỉ đạo, quyết định của tổ chức mà nó trực thuộc. “Xin đề cập một số vấn đề rút ra từ thực tiễn mối quan hệ giữa Đại biểu Quốc hội với Đoàn ĐBQH để có thể làm sáng tỏ mối quan hệ của 5 tổ chức này với MTTQ VN trong mối quan hệ “trực thuộc”. Đây là vấn đề vẫn đang được thảo luận, nghiên cứu tại một số Ủy ban của Quốc hội nhằm tìm giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức Đoàn ĐBQH và xử lý mối quan hệ giữa Đoàn ĐBQH với Đại biểu Quốc hội là thành viên của Đoàn sao cho không triệt tiêu tính độc lập của ĐBQH trong thực hiện nhiệm vụ Đại biểu của mình”, ông Lê Việt Trường nêu ý kiến.