Cân nhắc thời điểm bay của hãng hàng không mới

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Hãng hàng không Vietravel Airlines. Với việc được cấp giấy phép này, Vietravel Airlines sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để gia nhập thị trường hàng không.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề tới ngành hàng không và du lịch, việc cấp phép bay sẽ khiến các hãng chồng chất khó khăn do thị trường vốn đã bị thu hẹp đáng kể. Vì vậy, cần cân nhắc thời điểm có thêm hãng hàng không chính thức bay, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.

Cần đánh giá đầy đủ các rủi ro

Việc các hãng hàng không tư nhân tham gia thị trường hàng không được đánh giá đã thổi những luồng gió mới, giúp thị trường tăng tính cạnh tranh, người dân có thêm nhiều lựa chọn. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về giao thông, doanh nghiệp tư nhân tham gia thành lập hãng hàng không là hướng đi phù hợp với chủ trương phát triển các thành phần kinh tế của Đảng, Nhà nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh, đặc biệt là tận dụng vốn của khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, việc có thêm một hãng hàng không mới giai đoạn này là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự phát triển có hợp lý hay không, có hiệu quả hay không.

 Các hãng hàng không Việt Nam đang nỗ lực phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: HUY HÙNG

Các hãng hàng không Việt Nam đang nỗ lực phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: HUY HÙNG

Một thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Khác với các hãng hàng không thành lập trước đó, Vietravel Airlines định hướng là hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa và bưu kiện phục vụ phát triển ngành du lịch và các nhu cầu đi lại của cộng đồng. "Về nguyên tắc, tôi ủng hộ đề án này vì đó là một dạng hãng hàng không đặc thù, đóng góp lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không lẫn du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Vietravel... Khi nào Vietravel Airlines được bay thì cần tính toán, cân nhắc thật kỹ", chuyên gia bày tỏ. Vấn đề quan trọng hiện nay, theo ông không phải là có nên cấp phép cho Vietravel Airlines hay không mà là thời điểm bay? Muốn vậy, phải đánh giá xem đơn vị này đã chuẩn bị cho việc thành lập hãng bay mới thế nào, đã chín muồi chưa? Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hàng không, du lịch vẫn chưa thể phục hồi, cần tính toán lại thời điểm hãng này được bay.

Doanh nghiệp hàng không phải bảo đảm hoạt động ổn định, lâu dài

Liên quan đến việc rà soát, xem xét thành lập thêm hãng hàng không mới trong tình hình mới nhằm bảo đảm quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT tại Văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14-5-2020. Cụ thể, tại văn bản này, Bộ GTVT kiến nghị, trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính nhấn mạnh, muốn đầu tư vào hàng không đòi hỏi năng lực tài chính của doanh nghiệp phải rất lớn, không thể chỉ sử dụng vốn vay hay phần lớn vốn vay. Bài học kinh nghiệm cho thấy, nếu hãng hàng không chủ yếu dựa vào vốn vay sẽ có rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động an toàn của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, một số dự án hàng không trong nước đã dừng lại sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới chưa biết khi nào mới kết thúc, các nền kinh tế chưa thể phục hồi, doanh nghiệp nên tập trung nguồn vốn vào phát triển lĩnh vực thị trường mà doanh nghiệp đang có tiềm năng.

Hiện nay, với các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động như Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Bamboo Airways đều đang phải đối mặt với bài toán hóc búa về sự phát triển do tác động của đại dịch Covid-19. Ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cũng khẳng định, việc lập hãng hàng không là quyền của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện thì cơ quan quản lý nhà nước phải cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, doanh nghiệp phải chứng minh năng lực tài chính có bảo đảm để hãng hàng không hoạt động an toàn, ổn định. Tuy vậy, với thẩm quyền của mình, cơ quan chức năng cần đánh giá một cách toàn diện, đồng thời, cần cân nhắc trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Các hãng hàng không Việt Nam hiện đang rất nỗ lực phục hồi thị trường hàng không nội địa, song song với việc dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở nước ta. Tuy nhiên, đặc thù của ngành du lịch và hàng không Việt Nam phụ thuộc lớn vào lượng khách quốc tế. Trong khi đó, các chuyến bay quốc tế chưa thể khai thác trở lại. Vì vậy, hơn lúc nào hết, sự hỗ trợ kịp thời, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của Nhà nước sẽ là điểm tựa đưa ngành hàng không sớm khôi phục trở lại, qua đó, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV vào ngày 6-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, gần đây có một số hãng hàng không đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại tình hình. Bởi vì nếu cho thành lập mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của các hãng đang hoạt động. Do đó, chủ trương của Chính phủ là khi thị trường hàng không Việt Nam khôi phục lại mới xem xét thành lập thêm hãng hàng không.

BẢO LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-nhac-thoi-diem-bay-cua-hang-hang-khong-moi-643282