Cần nhân rộng mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng
ĐBP - Với mục đích đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập cho người dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững, từ tháng 6/2015, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ đã đưa cây sa nhân vào trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại bản Nậm Khăn, với diện tích trên 2ha do 24 hộ gia đình đăng ký trồng. Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, đến nay cây sa nhân phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định.
Cùng một số người dân bản Nậm Khăn đi thăm mô hình sa nhân, chúng tôi được biết, vài năm nay, việc trồng, chăm sóc cây sa nhân không chỉ giúp dân bản tăng thêm thu nhập mà còn góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Ông Lèng Văn Chái, người có uy tín bản Nậm Khăn chia sẻ: “Trồng sa nhân 4 năm nay, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch trên 1 tạ quả cho thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng. Trồng cây sa nhân không phải chăm sóc nhiều, cây sống tốt dưới tán rừng, nhưng ý nghĩa hơn là qua việc trồng và chăm sóc sa nhân, bà con dân bản có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, bởi có rừng thì sa nhân mới phát triển tốt. Vì thế, dân bản rất mong chính quyền tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích trồng sa nhân”.
Quả sa nhân là một vị thuốc có giá trị, được các tiểu thương thu mua thường xuyên. Những năm qua, người dân thu hoạch được bao nhiêu là tiểu thương thu mua hết. Cây sa nhân có thể cho thu hoạch trong thời gian khá dài (trên 10 năm) nếu chăm sóc tốt. So với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân không phải làm cỏ mà chỉ bón phân một lần khi mới trồng, nên chi phí đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế cao. Bình quân 1ha trồng sa nhân xanh có thể cho thu hoạch trên 150kg quả khô/năm, với giá bán hiện nay khoảng 400.000 - 450.000đ/kg quả khô, mỗi hộ dân có thu nhập vài chục triệu đồng. Nhận thấy lợi ích và tiềm năng của cây sa nhân, hiện nay chính quyền xã Nậm Khăn đang nghiên cứu tiếp tục triển khai mở rộng diện tích sa nhân tại 6/7 bản còn lại trong xã.
Ông Lèng Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khăn cho biết: Ngoài bản Nậm Khăn, UBND xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích sa nhân dưới tán rừng tại các bản khác. Xã Nậm Khăn có diện tích rừng tương đối lớn nhưng bà con chưa tận dụng được nhiều trong phát triển sinh kế lâu dài, chủ yếu vẫn là các diện tích lúa, ngô, sắn sản xuất từ trước đây nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã vẫn khá cao (trên 50%). Ðầu năm 2019, UBND xã đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền tại các bản về lợi ích, cách trồng cũng như giá trị kinh tế của cây sa nhân, đồng thời tổ chức cho người dân các bản: Nậm Pang, Huổi Nỏng, Vàng Xôm 1, Vàng Xôm 2, Hô Tâu và Huổi Văng tham quan thực địa mô hình sa nhân tại bản Nậm Khăn. Thông qua đó, đa phần bà con đồng thuận, nhất trí chủ trương của xã và tự nguyện đăng ký trồng cây sa nhân dưới tán rừng.
Với tiềm năng kinh tế lớn từ cây sa nhân, mong rằng thời gian tới mô hình sa nhân ở xã Nậm Khăn sẽ được nhân rộng, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, mở hướng thương mại hóa nông sản địa phương cho người dân xã Nậm Khăn và các xã của huyện Nậm Pồ.