Cần nhiều 'Chạm' hơn nữa
Dịp cuối tuần, du khách có thể tới rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm) để 'chạm' vào nghệ thuật bằng show 'Chạm' - 'Tinh hoa nghệ thuật Việt'.

Minh họa/INT.
Nhà hát Cải lương Hà Nội mới thêm lịch hẹn với khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế muốn khám phá, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nhất là cải lương. Đó là, dịp cuối tuần, du khách có thể tới rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm) để “chạm” vào nghệ thuật bằng show “Chạm” - “Tinh hoa nghệ thuật Việt”.
Từ “Không gian chạm”: Tinh hoa hội tụ, Tứ cầm - mạch nguồn âm thanh, Vọng tiếng cung cầm, Lưu dấu thời gian… cho đến những phút giây thưởng thức các trích đoạn vở diễn tiêu biểu, ban tổ chức mong muốn mỗi bước chân “đều là một sự kết nối: Kết nối giữa người thưởng thức và nghệ thuật, giữa hiện tại và quá khứ, giữa những giấc mơ sân khấu với những khán giả yêu mến cải lương”.
Nghệ thuật truyền thống Việt Nam luôn hấp dẫn khán giả quốc tế. Tuy nhiên, nhiều năm qua, gần như chỉ có múa rối nước là đến được với du khách qua các show diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam, đặc biệt là Nhà hát Múa rối Thăng Long có điểm rạp “đắc địa” ngay ở phố đi bộ xung quanh hồ Gươm sáng đèn suốt năm. Còn các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Chèo, tuồng, cải lương thì chưa thực sự được biết nhiều đến.
Thực tế này xảy ra không hẳn là do các nhà hát chưa năng động, tích cực xây dựng chương trình cũng như tổ chức biểu diễn. Còn nhớ khoảng 10 năm trước, NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội dành nhiều tâm sức dàn dựng show “Long Thành diễn xướng” gồm các tiết mục dân ca, trích đoạn chèo nổi tiếng; đồng thời kết nối với các công ty lữ hành hợp tác đưa du khách đến thưởng thức tại rạp 15 Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng).
Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng có những suất diễn theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại rạp Hồng Hà (Hoàn Kiếm). Còn Nhà hát Chèo Việt Nam thì tích cực sáng đèn sân khấu nhỏ ở rạp Kim Mã (Ba Đình), mở không gian “chiếu chèo” truyền thống rất gần gũi, thân tình giữa nghệ sĩ và du khách. Tuy nhiên, lượng khách đến với các show diễn còn thưa vắng nên gần như không thể duy trì thường xuyên.
Vậy, vì sao cung và cầu đối với nghệ thuật truyền thống vẫn lệch pha, chưa thể gặp gỡ? Tìm ra lời giải cho điểm nghẽn này không phải một sớm một chiều nhưng không thể vì thế mà bỏ cuộc. Bởi vậy, giờ Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục mở show “Chạm” - “Tinh hoa nghệ thuật Việt” hướng tới khách du lịch.
Gần đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng mở các buổi biểu diễn theo chủ đề như: “Đào dẫn lối”, “Lời tuồng - Tiếng trẻ”… Những show diễn này có nhiều thay đổi khi kết hợp giữa biểu diễn với trải nghiệm cùng không gian trưng bày, phục trang, hóa trang… và đang nhận được sự quan tâm của khán giả trẻ.
Rõ ràng, việc tổ chức cho khán giả được trải nghiệm với các loại hình kịch hát dân tộc là cách kết nối hữu hiệu. Vậy nên, bên cạnh việc trình diễn những tác phẩm, trích đoạn đặc sắc thì các đơn vị nghệ thuật cần xây dựng những tour trải nghiệm phù hợp, mới mẻ để khán giả được ở trong không gian sáng tạo rồi thực sự chạm và cùng thúc đẩy nghệ thuật dân tộc phát triển.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-nhieu-cham-hon-nua-post731895.html