Cần nhiều chính sách hỗ trợ đối với lao động là người dân tộc thiểu số
Ngày 26-12, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo 'Lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) di cư đến Đồng Nai - thực trạng và giải pháp'.
Chủ trì hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng; Giám đốc Học viện Dân tộc, GS.TS Trần Trung; Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với hơn 41 ngàn tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh, thu hút trên 945 ngàn lao động. Trong đó, hơn 29 ngàn lao động người DTTS làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp. Đồng bào DTTS đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên, Nam Trung bộ, phía Bắc.
Hội thảo "Lao động người DTTS di cư đến Đồng Nai - thực trạng và giải pháp" là diễn đàn quan trọng để đánh giá thực trạng, đời sống của lao động người DTTS trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý các cấp có liên quan về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Thông qua hội thảo, UBND tỉnh có cơ sở để ban hành chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ kịp thời với lao động người DTTS di cư đến Đồng Nai để đồng bào an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; kiến nghị, đề xuất chính sách đối với Trung ương về lao động người DTTS di cư đến Đồng Nai.
Theo Ban dân tộc tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Đồng Nai luôn quan tâm, chăm lo cho đồng bào DTTS, qua đó, đời sống người dân được nâng cao. Tuy nhiên, lao động người DTTS di cư đến Đồng Nai đang là thách thức lớn trong việc quản lý nhà nước về dân cư, chỗ ở, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa.
Trong khi đó, lực lượng lao động mang tính thời vụ, thường thay đổi và không ổn định nên khó khăn trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Một số lao động di cư hạn chế ngôn ngữ, không có tay nghề và ý thức chấp hành pháp luật chưa cao…
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, thời gian tới Đồng Nai cần có thêm những chương trình, đề án dành cho đồng bào dân tộc ở những vùng kinh tế mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý di dân, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, ổn định địa bàn nơi sinh sống mới của lao động người DTTS.