Cần nhiều 'chợ 0 đồng'
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng loạt phiên 'chợ 0 đồng' lại được các cấp Hội Chữ thập đỏ cùng các đoàn thể, đơn vị tổ chức.
Tại đây, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn được phát phiếu, sau đó lựa chọn, đổi hàng hóa thiết yếu đang bày bán trên các gian hàng. Hàng hóa do doanh nghiệp cung cấp có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Ngoài ra, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn còn được tặng quà là hiện vật hoặc tiền mặt. Đây là một trong những chương trình nhiều ý nghĩa, nhằm sẻ chia, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đón Tết cổ truyền đầy đủ, vui tươi, đầm ấm.
Cả nước vừa bước qua năm 2023 với nhiều khó khăn. Kinh tế tăng trưởng chậm và thấp hơn mục tiêu đề ra, chủ yếu do tác động từ kinh tế thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động năm 2023 là 7,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,9%, tương ứng 459.000 đồng so với năm 2022. Số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp là 1,07 triệu người, giảm 14.600 người so với năm 2022. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 918.500 người, giảm 79.800 người so với năm trước.
Tuy nhiên, thu nhập trung bình của người lao động vẫn được đánh giá là khá thấp so với mặt bằng thu nhập chung cũng như so với giá cả hàng hóa và mức chi tiêu của xã hội. Cùng với đó, dù số người thất nghiệp giảm, song số lao động phi chính thức làm các công việc thiếu tính ổn định, đồng nghĩa với thu nhập bấp bênh vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm.
Tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến xuân về, những hoạt động ý nghĩa này lại được phát huy ở tất cả các cấp, ngành, đoàn thể và nhận được sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bên cạnh phiên “chợ 0 đồng” còn có những chuyến hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người lao động. Doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình khuyến mại, giảm giá để người lao động tiếp cận được hàng hóa chất lượng với giá rẻ. Rồi cả những chuyến xe miễn phí đưa đón người lao động về quê ăn Tết hay trở lại làm việc... Sự sẻ chia, quan tâm, hỗ trợ không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, mà hơn thế là ý nghĩa về tinh thần, nhân lên những điều tốt đẹp cho xã hội.
Không chỉ dịp lễ, Tết, việc trợ giúp, hỗ trợ người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn cần được thực hiện thường xuyên. Đó là hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Đó là sớm hoàn thành chương trình nhà ở cho công nhân khu công nghiệp để họ sớm an cư lạc nghiệp. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng thường xuyên rà soát, kịp thời hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Sự trợ giúp không chỉ là hiện vật cụ thể mà còn là cơ chế, chính sách, giải pháp để giảm hộ nghèo, hộ khó khăn, tạo việc làm ổn định giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ người lao động làm công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chung tay khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vì khi kinh tế - xã hội phát triển như mục tiêu đề ra thì đời sống của người dân sẽ được cải thiện, thu nhập tăng lên, số hộ khó khăn giảm bớt.
Những phiên “chợ 0 đồng” để người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn có cái Tết trọn vẹn, đầm ấm và an vui hay rộng hơn là các chính sách trợ giúp nâng cao đời sống của người lao động nói riêng, người dân nói chung đều hướng đến mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Mô hình này cần được đẩy mạnh và nhân rộng hơn nữa.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-nhieu-cho-0-dong-656765.html