Cần nhiều doanh nhân tiếp bước bầu Đức và bầu Thắng, không cần trọng tài vào VFF khóa 9
Lịch sử VFF đã chứng minh vai trò của doanh nhân đặc biệt quan trọng để giúp bóng đá nước nhà phát triển và vươn tới thành công.
Có một con số thống kê thú vị về Ban chấp hành VFF khóa 8, doanh nhân bằng trọng tài, khi mỗi bên có hai người. Một bên gồm ông Trần Anh Tú, ông Lê Văn Thành và một bên là ông Dương Văn Hiền (Trưởng ban trọng tài), ông Võ Minh Trí (phó ban trọng tài).
Ban chấp hành VFF khóa 7 cũng có 2 người của Ban trọng tài gồm ông Nguyễn Văn Mùi (Trưởng ban trọng tài) và ông Dương Văn Hiền (phó ban trọng tài). Nhưng có đến 5/17 doanh nhân với những người giỏi như ông Đoàn Nguyên Đức, ông Lê Hùng Dũng…
Các thành viên Ban trọng tài vào Ban chấp hành VFF để làm gì? Đây là dấu hỏi lớn, khi Ban trọng tài hoạt động độc lập nhưng chịu quản lý của VFF. Đơn giản cần bỏ phiếu liên quan sự việc của Ban trọng tài thì Ban chấp hành VFF rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vì Ban trọng tài VFF có sẵn 2 phiếu.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) khuyến cáo các thành viên Ban trọng tài, Ban Y học không là Ủy viên Ban chấp hành của Liên đoàn bóng đá. Vì tình trạng này chẳng khác gì “vừa thổi còi vừa đá bóng”, hay “mặc thêm giáp cho vua”.
Về bản chất, VFF cần nhiều doanh nhân yêu bóng đá để nâng tầm và phát triển lên tầm cao mới. Lịch sử bóng đá Việt Nam đã phản ánh đầy đủ về tầm quan trọng của doanh nhân. VFF không có đủ tiền thì bầu Thắng “tặng” HLV Calisto cho tuyển Việt Nam, sau đó vô địch AFF Cup 2008. 10 năm sau, bầu Đức mời HLV Park Hang Seo và trả lương trong 2 năm, phần còn lại của câu chuyện là những thành công mang tính lịch sử. Cựu chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là người mở đường để VFF, VPF thay đổi về tài chính...
Hai chặng đường thành công rực rỡ nhất của bóng đá Việt Nam, cùng sự chuyển mình của VFF và VPF, vai trò của các ông bầu có thể nói đặc biệt quan trọng. Đúng hơn, các doanh nhân là những người góp công sức, tiền bạc để bóng đá nước nhà "cất cánh".
Ngược lại, thành viên Ban trọng tài vào Ban chấp hành VFF thì ngồi không đúng chỗ và khó đóng góp được gì cho VFF. Ví dụ ông Dương Văn Hiền và ông Võ Minh Trí vào Ban chấp hành VFF khóa 9 chỉ lãng phí ghế lẫn thời gian. Họ cần tập trung đào tạo trọng tài, nâng tầm chất lượng chuyên môn cho trọng tài, qua đó giúp cho các sân chơi chuyên nghiệp bớt tranh cãi.
Câu chuyện của ông Dương Văn Hiền là ví dụ. Năm 2018 ông Hiền tạo ra xung đột với VPF, sau đó lùm xùm chuyện bị dọa cho đàn em lên tận nhà. Những sai lầm liên tục và nghiêm trọng của trọng tài cũng làm ảnh hưởng lớn uy tín, hình ảnh của ông Dương Văn Hiền. Trường hợp ông Hiền vào Ban chấp hành VFF khóa 9 sẽ ảnh hưởng đến chính hình ảnh Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Tức không đóng góp được như các doanh nhân mà còn có nguy cơ gây ảnh hưởng VFF.
VFF khóa 9 thực sự đang cần những doanh nhân vừa vững mạnh về tài chính, vừa có tầm và có tâm để vào chung tay. Họ chính là những người mới có thể kế thừa ông Lê Hùng Dũng, bầu Đức, bầu Thắng… để nâng tầm VFF.
Trong danh sách ứng viên được đề cử vào VFF khóa 9, tín hiệu tích cực là nhiều doanh nhân mới đã được đề cử. Đó là ông Nguyễn Trung Kiên (Next Media), ông Trần Văn Quỳnh (Chủ tịch Vị Trí Vàng Group), ông Cao Tiến Đoan (Chủ tịch hội doanh nhân Thanh Hóa)… Ông Trần Văn Quỳnh là trường hợp điển hình để xứng đáng vào VFF khóa 9. Từ tư thế doanh nhân đến niềm đam mê bóng đá và sự tử tế với bóng đá trẻ thì ông Quỳnh đã được giới bóng đá thừa nhận rộng rãi trong thời gian qua.
Nên nhớ, doanh nhân luôn có tư thế khác biệt ở VFF. Họ có thể quyết định nhanh bằng cách tay phải ký thì tay trái rút tiền đưa, giống như chuyện bầu Đức từng giúp VFF ký hợp đồng với HLV Park Hang Seo.
Đặt trong một trường hợp khác, doanh nhân vào VFF có thể làm Trưởng đoàn các đội tuyển quốc gia. Họ giúp cho VFF giải quyết được nhiều vấn đề so với quá khứ, từ chuyện bỏ thêm tiền bạc chăm lo đội tuyển hay các khoản thưởng cho các cầu thủ. Câu chuyện này giống Madam Pang đang chăm lo cho các đội tuyển Thái Lan. Nhưng một thành viên khác làm thì VFF tốn tiền trả lương, còn đội bóng phải “chia thưởng” cho Trưởng đoàn.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam muốn nâng tầm thì cần người giỏi, am hiểu bóng đá và tư duy mới. Song một vấn đề đặc biệt quan trọng là tài chính. Không có tài chính vững mạnh thì VFF khó thực hiện được các kế hoạch, mà khóa 9 sẽ có rất nhiều vấn đề như giấc mơ World Cup 2026 hay chuyện hợp đồng của HLV Park Hang Seo…