Cần nhiều hơn những cuộc cà phê như ở phường Phú Lợi

Sáng sớm thứ 5 vừa rồi (ngày 10/7), dăm bảy bộ bàn ghế nhựa kê trong khuôn viên trụ sở Đảng ủy phường Phú Lợi (TP. Cần Thơ) hầu như không còn chỗ trống; bên ly cà phê đá, lãnh đạo, công chức phường Phú Lợi cùng chuyện trò, trao đổi với người dân và doanh nghiệp địa phương; trong một giờ đồng hồ, từ 6h30 - 7h30 sáng, rất nhiều vấn đề - từ vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng tới vệ sinh môi trường ở các khu chợ trên địa bàn… đã được người dân, doanh nghiệp chia sẻ và lãnh đạo phường tiếp nhận.

Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, cũng có người lo ngại nguy cơ chính quyền, cán bộ xa dân; nhưng, chính quyền phường Phú Lợi đã cho thấy điều ngược lại: càng tinh gọn, càng cần gần dân, sát dân; càng hiện đại hóa, càng phải đối thoại bằng cách gần gũi và thực chất nhất. Không có “phần mềm” hay công cụ số nào thay thế được một cuộc gặp mặt trực tiếp, nơi chính quyền và người dân cùng ngồi một bàn, nói thật, nghe thật và cùng nhau tìm lời giải từ gốc cho những vướng mắc, khó khăn.

Mô hình “Cà phê với nhân dân và doanh nghiệp” ở phường Phú Lợi gợi nhớ đến quán cà phê "Doanh nhân, doanh nghiệp" nổi tiếng một thời ở Đồng Tháp; khi ấy, tinh thần “chính quyền đồng hành” còn là điều mới mẻ, nhưng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã sớm nhìn ra giá trị cốt lõi của việc gỡ bỏ khoảng cách, phá vỡ bức tường vô hình giữa công quyền và người dân. Giờ đây, tư duy ấy tiếp tục được kế thừa và phát triển ở cấp cơ sở - nơi gần dân nhất, cũng là nơi cần thiết nhất cho đối thoại thực chất.

Người dân và doanh nghiệp không đòi hỏi điều gì xa xôi, họ chỉ cần một chính quyền biết lắng nghe, biết điều chỉnh quy trình khi thực tiễn đổi thay. Đó là nhu cầu bình dị nhưng thiết yếu, và để đáp ứng, không nhất thiết phải tổ chức hội nghị rình rang hay ban hành chính sách dài dòng; đôi khi, chỉ một ly cà phê buổi sáng, một cuộc gặp chân tình đã là đủ để khơi thông những điểm nghẽn tưởng chừng bế tắc.

Nếu làm cho có, làm để “PR” và thiếu đi sự chân thành thì đối thoại với người dân, doanh nghiệp rất dễ trở thành hình thức; ngược lại, nếu làm thật và gắn với hành động cụ thể, nó hoàn toàn có thể trở thành một cấu phần thiết yếu trong chiến lược cải cách hành chính. Thậm chí, là một bước đi quan trọng để chính quyền chuyển đổi số thành công, bởi trước khi “số hóa”, trước khi “trí tuệ nhân tạo hóa”, điều căn bản nhất vẫn là thấu hiểu người dân.

Hơn nữa, mỗi cuộc gặp như vậy không chỉ gỡ rối cho một vài trường hợp cụ thể; nó còn giúp chính quyền nhận diện những điểm nghẽn có tính hệ thống, những bất cập trong quy trình, những rào cản vô hình trong thực thi chính sách mà nếu không tiếp xúc trực tiếp với dân, sẽ khó lòng phát hiện.

Tất nhiên, không thể kỳ vọng những cuộc cà phê với doanh nghiệp, người dân sẽ giải quyết được tất cả vấn đề; nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu xem nhẹ giá trị của nó, bởi đây là cách làm đơn giản, khả thi và dễ nhân rộng. Quan trọng hơn hết, nó đặt người dân vào đúng vị trí trung tâm trong tiến trình xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Mỗi cuộc cà phê như thế là một viên gạch nhỏ, nhưng chính từ những viên gạch ấy, nền móng của niềm tin được xây dựng, sự đồng thuận được bồi đắp; và những mục tiêu phát triển dù lớn lao đến đâu cũng có thể được hiện thực hóa, nếu chính quyền biết lắng nghe và đồng hành cùng người dân từ những điều nhỏ nhất.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-nhieu-hon-nhung-cuoc-ca-phe-nhu-o-phuong-phu-loi-10379453.html