TP.HCM sau sáp nhập: Lợi thế cho doanh nghiệp phát triển

Sự sáp nhập TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa-Vũng Tàu đã mở ra cơ hội hình thành một vùng đại đô thị, tạo dư địa lớn cho doanh nghiệp phát triển.

Từ ngày 1/7, Việt Nam còn 34 tỉnh, thành. Cải cách này không chỉ nhằm tái tổ chức không gian phát triển mà còn là bước đi chiến lược để cơ cấu lại nguồn lực và định hình lại hướng phát triển kinh tế quốc gia.

Sau sáp nhập, TP.HCM có diện tích hơn 6.700 km², dân số vượt ngưỡng 14 triệu người. Với một không gian mới, nhiều ngành nghề có thêm cơ hội để phát triển. Không ít doanh nghiệp đã tiến hành phân bổ lại hệ thống nhà máy để hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Phạm Hiền Nhân, Giám đốc Sản phẩm Công ty Cổ phần Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera cho biết: “Chiến lược của công ty cũng thay đổi rất nhiều; xây dựng nhiều nhà máy ở từng khu vực, mỗi nhà máy sản xuất thế mạnh một loại vật liệu và chúng tôi chuyên môn hóa vật liệu cao hơn rất nhiều. Việc sử dụng hệ thống logistics khi nhà máy được phân bổ vật liệu hợp lý sẽ tiết giảm được chi phí”.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết: “Tỉnh Bình Dương trước đây là thủ phủ của ngành gỗ Việt Nam khi chiếm gần 5 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024. Kết hợp với TP.HCM - một trung tâm chuyên về xúc tiến thương mại, chuyên về công nghệ, marketing; cộng với hệ thống cảng biển ở Vũng Tàu... những điểm mạnh đó tập trung lại trong một không gian chung. Tôi cho rằng, ngành gỗ là một ngành sẽ tận dụng được rất nhiều lợi thế”.

Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư FDI vào TP.HCM có xu hướng giảm. Năm 2024 chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm gần 40% so với 2023. Nhiều doanh nghiệp nội cũng chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An do còn quỹ đất và thủ tục thuận lợi hơn. Theo các chuyên gia, để TP.HCM mới phát huy lợi thế sau sáp nhập, cần tái định hình không gian phát triển và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho biết: “TP.HCM là khu vực trung tâm tiếp tục đóng vai trò là trung tâm kinh tế tài chính, trung tâm đào tạo nhân lực, sáng tạo. Bên cạnh đó, có thể phát triển thêm một cực động lực về phía Bình Dương là cụm công nghiệp và đây là vùng đất cao, có lợi thế là không bị ảnh hưởng bởi khí hậu và nước biển dâng, đất cũng còn rẻ. TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một đô thị biển kết nối về phía Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM bày tỏ: “Các doanh nghiệp vẫn đang đặt ra một câu hỏi lớn là liệu khi hợp nhất TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa-Vũng Tàu thì các rào cản trước đây của TP.HCM có còn tồn tại không? Vấn đề làm sao tạo ra một sức mạnh của sự hợp nhất và cần một bàn tay sắt mạnh mẽ để thúc đẩy TP.HCM mới phát triển".

Bên cạnh thay đổi về quy mô, vị thế của các tỉnh, thành mới như TP.HCM phụ thuộc lớn vào việc định hình lại chính sách tăng trưởng phù hợp với tổng thể chung. Tổ chức lại không gian phát triển, xây dựng mô hình kinh tế đa cực và phát triển bền vững không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà còn đòi hỏi tầm nhìn chính trị và quyết tâm cải cách thể chế sâu rộng.

Hồng Liên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tphcm-sau-sap-nhap-loi-the-cho-doanh-nghiep-phat-trien-346283.htm