Cần nhiều nguồn lực, cơ chế đặc thù để đưa vùng 'lõi nghèo' vươn lên

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng khó khăn nhất cả nước nên cần nhiều nguồn lực, nhiều thời gian và giải pháp, cần cơ chế đặc thù nhất để có thể phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3 tại Việt Trì sáng 24/5, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định luôn hết sức nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của vùng vốn được xem là nghèo nhất của cả nước.

Tuy nhiên, 14 địa phương trong vùng vẫn đang còn phải đối mặt với nhiều nút thắt lớn, đặc biệt là về hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng công tác cải cách hành chính...

Đại diện các địa phương cũng phản ánh, chính sách dù đã được tích cực được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nhưng vẫn còn chưa đồng bộ. Các địa phương trong vùng kiến nghị Trung ương có cơ chế đặc thù vượt trội cho các địa phương khó khăn nhất, đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù phát triển hạ tầng kết nối, cửa khẩu, nguồn nước và rừng.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long kiến nghị Trung ương sớm có cơ chế, chính sách phát triển thị trường carbon để sớm khai thác được tiềm năng của rừng ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vốn được coi là lá phổi của quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nêu ý kiến tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nêu ý kiến tại hội nghị.

Đồng quan điểm, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cho rằng nếu đã coi vùng Trung du và miền núi phía bắc là "lá phổi" thì Nhà nước cần có những chính sách mạnh mẽ bảo vệ "lá phổi" này.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh phát biểu tại hội nghị.

Về vấn đề nguồn nhân lực, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải kiến nghị Trung ương có sự quan tâm đầu tư cho Đại học Thái Nguyên để xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, bởi chìa khóa để phát triển kinh tế nằm ở chất lượng nguồn nhân lực.

Nữ Bí thư Tỉnh ủy duy nhất của vùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nêu kiến nghị về vấn đề nguồn nhân lực.

Nữ Bí thư Tỉnh ủy duy nhất của vùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nêu kiến nghị về vấn đề nguồn nhân lực.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang kiến nghị Trung ương xem xét giảm mức vốn đối ứng đối với các dự án ODA cho các địa phương xuống còn 10%; nâng tỉ lệ dư nợ vay của các địa phương trong bối cảnh hầu hết các địa phương trong vùng chưa cân đối được ngân sách; tổ chức quy hoạch sản xuất để tránh tình trạng sản xuất dư thừa.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nêu kiến nghị về nguồn vốn ODA.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nêu kiến nghị về nguồn vốn ODA.

Đối với kiến nghị của địa phương về nguồn vốn ODA, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phải thống nhất nhận thức chung là nguồn vốn ODA hiện nay không rẻ, trong đó lãi suất vay của Ngân hàng Thế giới (World Bank) là 7% còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6,4%.

"Do đó chỉ dự án nào địa phương thấy thực sự cần thiết, hiệu quả thì mới xúc tiến vay, đồng thời phải cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của địa phương mình," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ cho rà soát khả năng Đại học Thái Nguyên có thể tham gia Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Về với cơ chế đặc thù, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng Trung du và miền núi phía bắc. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tích cực phối hợp, chủ động đề xuất cơ chế đặc thù.

Còn nhiều việc phải làm

Sau khi nghe các báo cáo và kiến nghị, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các địa phương trong vùng đã vượt khó, cố gắng khai thác các lợi thế để đi lên. Một số địa phương có cách làm mới, sáng tạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Trung ương nhìn nhận vai trò của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc không chỉ thông qua những chỉ số về thu ngân sách, về tốc độ phát triển GRDP…. mà còn cả ở khía cạnh giữ rừng, bảo vệ môi trường, nguồn nước cho hạ du, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho người nghèo, và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển kinh tế biên mậu, là cửa ngõ giao thương với thế giới.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc liên kết vùng đã có từ lâu nhưng chưa phát huy được hiệu quả, bởi khu vực này là khu vực khó khăn nhất cả nước, còn yếu về nguồn lực, yếu về hạ tầng, yếu về liên kết, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn.

Để kéo khu vực này lên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung nhiều nguồn lực, nhiều thời gian và giải pháp, cơ chế đặc thù. Trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng cần tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, đề án đã đề ra; cần “trả nợ” các đề án còn thiếu, tổng hợp các báo cáo, các ý kiến phát biểu của các đại biểu để trình Chính phủ…

"Quy hoạch vùng được công bố hôm nay đưa ra cách tiếp cận khoa học, bài bản, chỉ ra định hướng, mục tiêu để cùng phát triển bền vững, đưa ra khung khái niệm để tính toán kế hoạch cho từng năm; gắn sự phát triển của mỗi địa phương với sự phát triển chung của cả khu vực. Tuy nhiên, quy hoạch không phải là cây đũa thần để có thể giải quyết tất cả mọi việc, nên còn rất nhiều việc phải làm"

"Quy hoạch vùng được công bố hôm nay đưa ra cách tiếp cận khoa học, bài bản, chỉ ra định hướng, mục tiêu để cùng phát triển bền vững, đưa ra khung khái niệm để tính toán kế hoạch cho từng năm; gắn sự phát triển của mỗi địa phương với sự phát triển chung của cả khu vực. Tuy nhiên, quy hoạch không phải là cây đũa thần để có thể giải quyết tất cả mọi việc, nên còn rất nhiều việc phải làm"

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng, tổng hợp các kiến nghị của địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự trao đổi, bàn bạc trong đầu tư các dự án kết nối giao thông và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để mỗi địa phương khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của mình; chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo để có thể liên kết theo tuyến.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng mong các địa phương quan tâm, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông; chủ động ban hành chính sách riêng theo thẩm quyền bởi nguồn lực của Trung ương không thể đáp ứng tất cả mong muốn của các địa phương.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần quan tâm đến yếu tố biến đổi khí hậu khi đầu tư các công trình, dự án đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là những nội dung thuộc Đề án 06; tính toán kỹ tính khả thi của mỗi đề xuất, kiến nghị.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/can-nhieu-nguon-luc-co-che-dac-thu-de-dua-vung-loi-ngheo-vuon-len-post34961.html