Công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030

Với Quyết định Phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.

Quy hoạch phát triển toàn diện tỉnh Lâm Đồng

Ngày 23/6, tại thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh; lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao quyết định phê duyệt quy hoạch và tặng hoa chúc mừng cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao quyết định phê duyệt quy hoạch và tặng hoa chúc mừng cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Theo Quyết định 1727/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2030, Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt bình quân 8,5-9%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%... Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Lạt đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng luôn nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng cũng như tập trung cao cho công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thống nhất; UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, và cộng đồng dân cư, các tổ chức và cá nhân theo quy định.

Đến nay, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Luật Quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước; phù hợp với định hướng, chủ trương tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tặng hoa cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang có các dự án đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tặng hoa cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang có các dự án đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng.

Hội nghị hôm nay sẽ cung cấp thêm những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đến các nhà đầu tư.

Đây cũng là cơ hội để tỉnh Lâm Đồng được lắng nghe các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp ý, hiến kế để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đưa Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong thời gian tới.

Lấy nông - lâm nghiệp làm trọng tâm phát triển

Để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển hướng tới năm 2030: Là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Tỉnh Lâm Đồng sẽ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.

Tỉnh Lâm Đồng sẽ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.

Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ phát biểu khẳng định, tỉnh Lâm Đồng có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông đường bộ, cảng hàng không tương đối thuận lợi, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Lạt đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Lạt đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

"Trong bối cảnh hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang có các điều kiện để phát riển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững; đón các nhà đầu tư tiềm năng. Cá nhân tôi gửi gắm đến lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các sở, ban, ngành địa phương cần có các cam kết minh bạch, linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật để đồng hành cùng các nhà đầu tư để Lâm Đồng ngày càng giàu, đẹp", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 14.278 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký hơn 171,3 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải đầu tư lĩnh vực thương mại, bất động sản, công nghiệp, chế biến sâu; tổng vốn 30 nghìn tỷ đồng; các Công ty, tập đoàn lớn mạnh, đa ngành khác đầu tư các lĩnh vực: hạ tầng, du lịch, bất động sản, công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, thương mại, chế biến sâu, như: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn TH, Tập đoàn Phương Trang cùng đầu tư số vốn 25 nghìn tỷ đồng và nhiều tập đoàn, công ty khác từ vài tỷ đến trên 20 nghìn tỷ đồng.

Trước đó vào đầu giờ sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự lễ công bố nâng cấp cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, sân bay Liên Khương đạt cấp sân bay 4E, với công suất 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay này sẽ tăng công suất khai thác lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa mỗi năm; trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên.

Nguyễn Anh Trọng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cong-bo-quy-hoach-tinh-lam-dong-thoi-ky-2021-2030-a669598.html