Cần nhìn sâu vào bản chất của số liệu để thực sự chuyển đổi

Chuyển đổi số là cơ hội lớn, nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi nhìn thẳng vào giá trị thực chất, thay vì hài lòng với những con số ấn tượng bề nổi.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI - Ảnh: TTXVN

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ VI ngày 15/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.

Đây là cơ hội để cải thiện năng suất lao động, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông thẳng thắn chỉ ra rằng, năng lực nghiên cứu và phát triển là một trong những điểm yếu lớn của Việt Nam, hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, khả năng tự chủ công nghệ còn hạn chế.

Khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn lực chất lượng và hạn chế khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Ông bày tỏ lo ngại rằng, mặc dù Việt Nam đạt được những thành tựu như đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử, tuy nhiên, giá trị đóng góp thực sự của doanh nghiệp trong nước lại rất thấp. Phần lớn các khâu giá trị cao vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi Việt Nam chủ yếu đảm nhận vai trò gia công.

"Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?", Tổng Bí thư trăn trở và cho rằng, cần nhìn sâu vào bản chất số liệu, chứ không nên 'ngộ nhận', 'tự huyễn hoặc' hay 'tự ru mình'.

Báo cáo cho thấy khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này.

Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, trong đó 164 doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải...

Trên thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao.

Ông cảnh báo rằng, nếu không thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn, Việt Nam có nguy cơ trở thành cứ điểm "lắp ráp - gia công" và bãi rác công nghệ của thế giới.

Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Việt Nam phải tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và công nghệ 5G...

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của hạ tầng số trong việc thúc đẩy công nghiệp công nghệ số và kêu gọi Chính phủ đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông nhấn mạnh việc xây dựng chính sách thu hút nhân tài và tạo môi trường làm việc hấp dẫn để nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.

Ngoài ra, cần phát triển hệ sinh thái công nghệ số bền vững thông qua hợp tác giữa doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu, cùng với các sáng kiến hợp tác công - tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, và các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng đề nghị các doanh nghiệp tự đặt mục tiêu phát triển cao, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, khai thác thế mạnh nội tại và tận dụng sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Đây là thời cơ vàng để Việt Nam thực sự khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Khi có những điều kiện thuận lợi, nguồn lực sẵn có và sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế, ông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam chuyển hóa những khó khăn thành động lực, là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định mình, đưa các sản phẩm, dịch vụ "Make in Vietnam" vươn xa.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/can-nhin-sau-vao-ban-chat-cua-so-lieu-de-thuc-su-chuyen-doi-d38729.html