Cần những chính sách đột phá để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo

TS. Chử Văn Lâm cho rằng, rất cần có những chính sách khuyến khích mang tính đột phá để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng...

TS Chử Văn Lâm, Tạp chí Kinh tế Việt Nam -VnEconomy phát biểu khai mạc diễn đàn.

TS Chử Văn Lâm, Tạp chí Kinh tế Việt Nam -VnEconomy phát biểu khai mạc diễn đàn.

Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero với chủ đề “Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times tổ chức với sự đồng hành của Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban, Ban Kinh tế Trung ương; ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Tham dự diễn đàn còn có các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng và phát triển bền vững cùng gần 200 các tập đoàn doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, nhận định biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm toàn cầu khi ảnh hưởng của nó ngày càng rõ rệt và lan rộng.

Việt Nam, một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới, đang phải đối mặt với những biến động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Đối với Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm tại Đại hội XIII của Đảng.

Diễn đàn thu hút hơn 200 khách mời tham dự

Diễn đàn thu hút hơn 200 khách mời tham dự

Chính vì thế, Việt Nam đang khẩn trương triển khai các công tác thực hiện bảo vệ môi trường từ việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy các nguồn năng lượng này đóng vai trò then chốt trong ứng phó biến đổi khí hậu và nỗ lực hiện thực mục tiêu net-zero không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Vì vậy, nhiều quốc gia, như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược và chính sách chuyển dịch nền kinh tế theo hướng năng lượng sạch.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050. Đây là động lực quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng bảo vệ môi trường vào hoạt động sản xuất. Các nguồn năng lượng này không chỉ có đóng góp quan trọng trong việc phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, mà còn hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền con người.

Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với việc từng bước chuyển đổi sang năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ thể hiện cam kết của quốc gia trong việc bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế bền vững.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Mới đây nhất, tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8), Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng.

Theo đó, Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu đảm bảo năng lượng tái tạo chiếm 15-20% nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030; đến 2050 đảm bảo 80-85% năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng cung cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế Việt Nam.

"Có thể nói, việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam đang trong cuộc", TS Chử Văn Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đáng giá của các chuyên gia năng lượng, dù có trữ lượng và tiềm năng lớn, song đến nay, mức độ phát triển của năng lượng tái tạo Việt Nam đang có phần chậm lại. Vì vậy, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có của năng lượng tái tạo, TS. Chử Văn Lâm cho rằng rất cần có những chính sách khuyến khích mang tính đột phá để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.

Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm ngày càng tăng từ phía các nhà đầu tư, các cam kết của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi... sẽ đặt nền móng vững chắc cho tương lai năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước mà còn góp phần bảo vệ môi trường toàn cầu.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-nhung-chinh-sach-dot-pha-de-mo-rong-thi-truong-nang-luong-tai-tao.htm