Cần những chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải biển
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trước khi có dịch COVID-19, lĩnh vực vận tải biển đã hết sức khó khăn khi giá cước vận tải trên thế giới vẫn ở mức thấp. Cùng với đó, dịch COVID-19 xảy ra đã làm 'con tàu vận tải biển' thêm 'nghiêng ngả'.
Dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc tới hầu hầu hết các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng hải với hoạt động cảng biển từ đầu năm đến nay vẫn giữ được mức tăng trưởng khả quan mặc dù vận tải biển vẫn rất khó khăn.
Cảng biển duy trì tăng trưởng tốt
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, 10 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt gần 576,5 triệu tấn. Theo đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt gần 18 triệu Teus, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 10/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt gần 58 triệu Teus, giảm 2%; trong đó, hàng container đạt gần 1,8 triệu Teus, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Một số khu vực cảng biển vẫn có khối lượng hàng hóa tăng cao từ đầu năm đến nay như: cảng Quảng Trị, Quảng Ngãi… Bên cạnh đó, một số khu vực cảng biển có mức tăng hàng hóa container trên dưới 20% như: khu vực Mỹ Tho, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh…
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đánh giá, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành hàng hải Việt Nam, kể cả vận tải biển và cảng biển. Tuy nhiên, không giống như ngành hàng không và một số ngành khác, hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, mặc dù chưa đạt được mức hai con số như các năm trước nhưng các cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng khoảng 7,9% so với cùng kỳ năm 2019.
“Song, dự báo thời gian tới, lĩnh vực cảng biển có thể có mức tăng trưởng giảm đi. Sự giảm này không phải do năng lực cảng biển không đáp ứng được nhu cầu mà nguyên nhân là thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục suy thoái do dịch COVID-19 trên thế giới chưa được kiểm soát, kéo theo sản lượng hàng hóa thông qua các cảng sẽ giảm”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, thời gian qua lĩnh vực cảng biển vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt là do sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và nỗ lực của Cục Hàng hải Việt Nam cùng với chính quyền địa phương trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Tính tới thời điểm hiện tại, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hàng hải chưa phát hiện thuyền viên làm việc trên tàu, hành khách mắc COVID-19. Chưa có thuyền viên nước ngoài hay các trường hợp công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, người lao động tại các doanh nghiệp cảng biển mắc COVID-19. Đây là cơ sở quan trọng giúp người lao động trong ngành, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu (hoa tiêu, lực lượng xếp dỡ hàng hóa…) thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào việc duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực cảng biển.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, ngành hàng hải là ngành có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là các thuyền viên, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch COVID-19, không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với địa phương, biên phòng kiểm tra giám sát lực lượng thuyền viên ra vào bờ.
Vận tải biển vẫn “chồng chất khó khăn”
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trước khi có dịch COVID-19, lĩnh vực vận tải biển đã hết sức khó khăn khi giá cước vận tải trên thế giới vẫn ở mức thấp. Cùng với đó, dịch COVID-19 xảy ra đã làm "con tàu vận tải biển" nghiêng ngả, điêu đứng thêm.
Ông Bùi Việt Hoài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cho hay, lĩnh vực vận tải biển rất khó khăn trước đại dịch COVID-19. Theo đó, hầu hết các công ty vận tải biển của VIMC đã “vỡ kế hoạch” sản xuất kinh doanh được đề ra từ đầu năm. Nhiều công ty xây dựng tăng trưởng dương với mức lợi nhuận mấy chục tỷ đồng từ đầu năm nhưng đến nay đều báo lỗ.
Ông Bùi Việt Hoài dẫn chứng, VOSCO (doanh nghiệp thành viên của VIMIC) có một năm 2019 sản xuất kinh doanh tốt, hay như VinaShip cũng tăng trưởng khá, nhưng sang năm 2020 lại rơi vào cảnh điêu đứng. Trong quý IV/2019, VOSCO lãi sau thuế gần 194 tỷ đồng, tăng gần 60% so cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã giúp VOSCO bù hết số lỗ trong cả 3 quý trước và lãi sau thuế 51 tỷ đồng (cả năm 2019), gấp gần ba lần so với năm 2018 (17 tỷ đồng).
“Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã “thổi bay” mọi kế hoạch của VOSCO. Nhiều tháng nay, các tàu của công ty đã phải nằm chờ hàng tại các cảng khu vực Đông Nam Á vì không có hàng vận chuyển. Trong khi đó, khu vực Đông Bắc Á giá cước vận tải rất thấp, kể cả nếu có cố chạy, doanh thu cũng không đủ để bù chi phí hoạt động. Việc tàu phải nằm bờ đợi hàng còn khiến doang nghiệp phải bỏ ra nhiều khoản chi phí cố định khá lớn như: Lương thuyền viên, khấu hao tàu, nhiên liệu, vật tư... Đến nay, VOSCO đã báo lỗ khoảng 160 tỷ đồng, dự báo cả năm đơn vị này lỗ khoảng 180 tỷ đồng”, ông Bùi Việt Hoài cho hay.
Cũng theo ông Bùi Việt Hoài, ngoài VOSCO, một số đơn vị vận tải biển khác của Tổng công ty cũng dự báo lỗ mỗi đơn khoảng 20-30 tỷ đồng trong năm nay. Do đó, để giảm bớt chi phí duy trì cho tàu nằm không, một số tàu của các đơn đang hoạt động chở hàng cầm chừng khi giá cước vận tải có thời điểm giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Tổng công ty cũng đang cố gắng tìm kiếm thị trường mới như châu Phi, Bắc Mỹ với giá cước tốt hơn để duy trì sản xuất kinh doanh cho các công ty vận tải.
Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, bên cạnh nỗ lực tái cơ cấu nguồn lực, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh thị trường... để chống chọi với “bão COVID-19”, Tổng công ty đã kiến nghị Chính phủ một số cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính ngắn hạn như: giãn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất cho vay. Về lâu dài, Tổng công ty cũng nghiên cứu, xin ý kiến các cấp chức năng xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nếu như dịch bệnh kéo dài để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tổng công ty đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ, trình Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ về một số giải pháp tái cơ cấu tài chính của tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể như: xóa dư nợ lãi của Công ty mẹ đến thời điểm 31/12/2020; kéo dài thời gian trả nợ gốc 5 năm không tính lãi phát sinh từ 1/1/2020 đến 31/12/2025. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các ngân hàng thương mại xóa nợ lãi năm 2020, không tính lãi phạt, cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ gốc; VDB xử lý các vướng mắc trong cơ chế mua bán nợ với các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Để các doanh nghiệp thành viên duy trì ổn định hoạt động sản xuất, vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng đề xuất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính giảm các khoản phí, lệ phí và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty và cho giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế sang đầu năm 2021.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thị trường vận tải hiện rất ảm đạm và rất khó dự đoán khi thời điểm kết thúc dịch chưa được xác định. Bức tranh thị trường vận tải biển cả năm nay cũng được dự báo có nhiều mảng “tối” khi tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hải của thế giới tiếp tục giảm. Trong bối cảnh khó khăn đó, các chuyên gia đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam trong thời gian tới.
Liên quan đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chung cho dịch COVID-19, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Cục đã rà soát, điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng hải, qua đó, phần nào giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.