Cần những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn hơn để tạo đà cho du lịch Thủ đô phát triển
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Sở Du lịch Hà Nội cần nghiên cứu tham mưu thêm cho TP về những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn hơn nữa trong lĩnh vực du lịch Thủ đô.
Dự kiến, 6 tháng đầu, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng
Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó, có trên 1.050 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm tỉ lệ gần 20% so với cả nước. Nhiều di tích nổi tiếng như: Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, lễ hội Gióng, lễ hội chùa Hương cùng thắng cảnh Hương Sơn và nhiều di sản khác; trong đó di tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Toàn TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 59% tổng số làng, có 47/52 nghề của toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có một số làng nghề, làng có nghề bị mai một. Đến nay còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có các cơ sở văn hóa, thông tin của cả nước, các bảo tàng cấp quốc gia, các công trình thể thao tầm cỡ quốc tế, các trung tâm thương mại, mua sắm quy mô lớn.
Hà Nội có hệ thống thủy văn lớn với nhiều con sông như: sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống…; cảnh quan sinh thái đa dạng phong phú với vùng núi Ba Vì, vùng núi Nương Ngái - Hương Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn Suối Ngà…; nhiều hồ nước nổi tiếng như: hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Suối Hai, Đồng Mô, Quan Sơn...; có không gian nông nghiệp truyền thống lâu đời với 2 vành đai cây chuyên canh và vành đai trồng hoa cây cảnh ngoại thành tạo cảnh quan sinh thái phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trang trại. Đây là những lợi thế cơ bản để Hà Nội xây dựng nên các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Từ năm 2017 đến nay, nhiều sản phẩm du lịch đã trở thành một trong những địa điểm tham quan, vui chơi giải trí không thể thiếu của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần, tiêu biểu như: các hoạt động văn hóa - du lịch mang tính quốc tế tại khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian bích họa phố Phùng Hưng; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; không gian đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; các điểm tham quan tại Vườn quốc gia Ba Vì, làng cổ ở Đường Lâm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,...
Bên cạnh đó, việc công bố các điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch: “Không gian áo dài Việt” Lanhuong Fashion House; “Không gian Văn hóa Hà Nội” tại di tích đình Đồng Lạc; điểm tham quan, mua sắm Tân Mỹ Design, Áo dài OZ Silk, Doji, hệ thống trung tâm thương mại Vincom Plaza, các cửa hàng tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc... cũng tạo nên những điểm tham quan mua sắm hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch luôn tích cực tham mưu cho UBND TP Hà Nội và chủ động ban hành các hệ thống văn bản, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp du lịch trên địa bàn TP.
Giai đoạn từ 2017 đến tháng 5/2023, liên quan đến tổ chức thực hiện Luật Du lịch, Sở Du lịch đã ban hành 44 văn bản chỉ đạo điều hành và tham mưu UBND TP ban hành 26 kế hoạch, chương trình phát triển du lịch Thủ đô.
Việc ban hành các văn bản kịp thời đã tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô. Cụ thể, giai đoạn năm 2017 - 2019, tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 19,35%/năm. Tuy nhiên đến năm 2020, do sự sụt giảm mạnh về lượng khách du lịch đến Hà Nội đã dẫn đến tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt 28.021 tỷ đồng, giảm 73% so với năm 2019, đưa tốc độ tăng trưởng trung bình về tổng thu của cả giai đoạn 2017-2020 giảm xuống còn -3,74%.
Năm 2021, du lịch Hà Nội không đón khách quốc tế, do đó, tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020 và bằng 23% Kế hoạch đề ra). Năm 2022, với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng, đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2021. Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo lãnh đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Điển hình như, năm 2023, Trung tâm đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã tổ chức Lễ hội du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” được tổ chức từ ngày 23 - 26/3 tại khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Lễ hội đã thu hút trên 50.000 lượt khách tham quan và mua sắm các sản phẩm du lịch.
Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cũng tổ chức gian hàng của TP Hà Nội tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023. Gian hàng của thành phố Hà Nội với chủ đề “Huyền tích Thăng Long - Ngàn năm di sản” giới thiệu tới du khách mô hình Khuê Văn các- biểu tượng văn hóa của Thủ đô, một số tuyến điểm du lịch văn hóa nổi bật kết nối Trung tâm Hà Nội - Thành Cổ Loa, Bát Tràng, đền Phù Đổng, đền Gióng Sóc Sơn, chùa Hương, Sơn Tây, Ba Vì, chùa Thầy cùng một số sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật như show Tinh hoa Bắc Bộ, Bảo tàng gốm Bát Tràng đã thu hút trên 10.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu về du lịch Hà Nội.
Giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động: Sản xuất phim du lịch “Hà Nội - đến để yêu”; tham gia hội chợ du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Festival Thu Hà Nội, Lễ hội ẩm thực Hà Nội; tổ chức đoàn xúc tiến du lịch tại nước ngoài tham gia các hội chợ du lịch lớn: Hội chợ Topresa Paris (3-5/10/2023), hội chợ JATA Nhật Bản (26-29/10/2023), hội chợ du lịch thế giới WTM London - Vương Quốc Anh (7-9/11/2023).
Cần những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn
Mới đây, tại buổi làm việc giữa HĐND TP Hà Nội và Sở Du lịch và Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội nằm trong chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn TP, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng quy định hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch của thành phố còn hạn chế.
Một số quy định bất cập chưa phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường, cũng như mục tiêu đề ra sau khi mở của du lịch sau đại dịch Covid-19. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch này tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch, chưa ngang tầm với các nước trong khu vực vi nhiều nguyên nhân.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho rằng, mặc dù đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, song, hiện nay nhận thức và chuyển hóa thành những hành động cụ thể của một số địa phương còn chưa tới.
Do đó, thời gian tới, Sở Du lịch cần tham mưu cho TP những giải pháp để quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức trong người dân và doanh nghiệp về lĩnh vực này.
Đặc biệt, Sở cần nghiên cứu tham mưu thêm cho TP về những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn hơn nữa trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng khẳng định HĐND TP sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng cùng các sở ngành của TP để xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực du lịch.
Đồng thời đề nghị Sở quan tâm đến công tác quy hoạch để tạo nền tảng để cơ sở phát triển du lịch trong thời gian dài; Quan tâm tới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển, mở rộng các sản phẩm du lịch, trọng tâm là du lịch đô thị, lấy trải nghiệm của khách hàng là trung tâm…