Cần những đúc kết sau chuỗi thất bại
Bỏ qua yếu tố thành tích, đội tuyển Việt Nam cần phải nhìn nhận lại những gì xảy ra suốt quá trình vừa rồi để cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới...
Các cầu thủ Việt Nam cần điều chỉnh cách chơi bóng của mình trước sự giám sát chặt chẽ của VAR, tránh trả giá vì những lỗi không cần thiết
Thất bại trước Oman kéo dài chuỗi trận thua liên tiếp của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo lên con số 5. Điều này hoàn toàn hợp lý với thực lực của chúng ta khi lần đầu tiên được “hít thở” không khí cận kề vé dự World Cup.
Đội tuyển Việt Nam gặp vấn đề sử dụng lực lượng?
Chúng ta cần phải đặt câu hỏi này với đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là HLV Park Hang-seo và đội ngũ BHL.
Đội tuyển Việt Nam là đội bóng gần như duy nhất ở vòng loại thứ ba này có thời gian tập trung dài nhất, chuẩn bị chu đáo nhất. Các quốc gia khác không có điều này. Họ phải gom quân ở các CLB (vẫn đá giải) và chờ đợi nhân tố từ nước ngoài về. Đội tuyển Trung Quốc - một đội bóng cũng được cho là có nhiều thời gian chuẩn bị cũng không hơn thầy trò HLV Park Hang-seo. Họ chỉ thực sự tập trung toàn diện trước trận gặp chúng ta mà thôi.
V-League 2021 dừng toàn bộ gây hạn chế trong việc lựa chọn nhân sự, nhưng bù lại, nó tạo ra nhiều thời gian và cả sự tập trung của đội tuyển Việt Nam, khi thầy Park đã triệu tập một danh sách rất dài trước đó để thử nghiệm. Tuy vậy, HLV Park Hang-seo có rất ít giải pháp nhân sự cho chặng đường “tiêu diệt thể lực” ở vòng loại thứ 3 này. Ông vẫn tin dùng bộ khung quen thuộc, hiếm khi sử dụng nhân tố mới khiến đội tuyển Việt Nam không còn là “cái gai” của các đội bóng mạnh hơn.
Dàn cầu thủ trụ cột gồm 8-10 người phải thi đấu liên tục đã xuất hiện những chấn thương và quá tải. Họ vẫn chơi đầy ý chí nhưng đâu đó, người ta nhận ra sự khao khát đã vơi đi, tinh thần hưng phấn không còn nguyên vẹn.
Điều này bắt nguồn từ sự “quen thuộc” mà HLV Park Hang-seo đã tạo ra. Các cầu thủ dường như không có cạnh tranh thực tế nào từ những người mới nên mặc nhiên, sức chiến đấu của họ cũng giảm.
Hy vọng là thời gian tới, HLV Park Hang-seo và các cộng sự sẽ tìm được cách khắc phục hiệu quả hơn, để đội tuyển Việt Nam “có thua cũng thua trong tư thế ngẩng cao đầu” và không phải chịu những uất ức như các trận đấu vừa rồi.
Việc “ngại sử dụng” và dường như chưa sẵn sàng trao cơ hội thích đáng cho các nhân tố mới tạo ra khó khăn tiếp theo cho đội tuyển Việt Nam khi những chấn thương liên tiếp đến với các trụ cột khiến quỹ nhân sự bị bào mòn, không có sự bổ sung xứng đáng.
Điều nguy hiểm là ngay trong thời điểm chưa khỏe mạnh, thể trạng có vấn đề, các tuyển thủ vẫn phải làm nhiệm vụ ở cường độ cao khiến mức độ tổn thương vô cùng khó lường.
Tiền Phong từng có bài viết cảnh báo về nhân sự “có thể hết sau vài trận” của đội tuyển Việt Nam và cả việc chúng ta sẽ phải đối mặt với việc... không có điểm nào trước khi vòng loại thứ ba bắt đầu và bây giờ, đội tuyển Việt Nam đang đi đúng như thế. Nếu thời gian tới, HLV Park Hang-seo không cải thiện những hạn chế này, đội tuyển Việt Nam chỉ là kho điểm của các đội bảng B!
Trả giá vì dùng “đặc sản” V.League tại sân chơi quốc tế
Một trong những yếu kém nữa của đội tuyển Việt Nam là việc phạm quá nhiều lỗi và thói quen thi đấu tiểu xảo của nhiều tuyển thủ.
Đội tuyển Việt Nam là đội chịu nhiều phạt đền nhất từ đầu đến giờ. Chỉ tính riêng 4 trận vừa qua, đội tuyển Việt Nam nhận 3 quả penalty, 2/3 quả thuộc về các động tác thừa của Tấn Tài, Duy Mạnh trong trận gặp Oman. Tất cả đều xác đáng và chúng ta không thể tìm ra cách để bào chữa cho điều này.
Trọng tài, VAR đã tạo ta rất nhiều tranh cãi và thiệt thòi cho đội tuyển Việt Nam. Chúng ta không thể không nhắc đến lực lượng này bởi họ đã tác động ít nhiều đến kết quả của đội tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là các tuyển thủ. Nếu vẫn tiếp tục thi đấu như ở V.League, đội tuyển Việt Nam sẽ phải đón nhận những phán quyết không khoan nhượng từ trọng tài. Vì khi xem lại VAR, họ sẽ trừng phạt đội tuyển Việt Nam ngay lập tức chứ chẳng có chuyện du di hay tình cảm!
Thói quen V.League không những không mang lại điểm nào tích cực cho các tuyển thủ khi thi đấu quốc tế, mà trái lại, nó còn khiến họ trở thành tội đồ chỉ trong tích tắc. Chỉ có điều, muốn cải thiện nó, không phải chuyện một sớm một chiều. Các cầu thủ cần có sự rèn luyện tự thân, học hỏi trên nền tảng được rút kinh nghiệm liên tục từ những người thầy!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-nhung-duc-ket-sau-chuoi-that-bai-post1384665.tpo