Cần nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu
Hệ thống chính sách thuế đã có nhiều thay đổi, điều này dẫn đến cơ cấu thu ngân sách nhà nước cũng thay đổi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu mới ổn định. Tăng thu cần xác định bằng cách dưỡng nguồn thu.
Muốn có số thu về thuế lớn thì cần phải nuôi dưỡng các nguồn thu (Ảnh TL)
Tổng cục Thuế vừa công bố báo cáo kết quả cải cách thuế giai đoạn 2016-2018, theo đó hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng bao quát cơ bản các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế; đảm bảo cân đối thu chi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân trên GDP đạt 24,9% tăng hơn mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 23,4%, trong đó tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21,0% GDP, giảm so với giai đoạn 2011-2015 là 21,6%.
Theo đánh giá tỷ lệ này tuy không nằm trong khoảng huy động mục tiêu đã đề ra, song có thể xem là thành công của ngành thuế trong việc giảm dần tỷ lệ động viên từ thuế, phí để tăng khả năng cạnh tranh và tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ cấu thu NSNN có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN đạt 76,6%, so với các giai đoạn trước đã có sự tăng đáng kể, đảm bảo theo đúng định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu và sự lên xuống thất thường của giá dầu do sự can thiệp của các nước lớn.
Cơ cấu thu trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) theo thành phần kinh tế trong 3 năm qua có thay đổi. Cụ thể thu từ khu vực công thương và dịch vụ là 19,2%; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 18,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước là 16,1%.
Cũng theo thống kê, tỷ trọng các khoản thu từ những sắc thuế mang tính ổn định như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), thuế thu nhập cá nhân trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đều giảm.
Cụ thể trong cả giai đoạn 2016-2018, tỷ trọng bình quân số thu thuế giá trị gia tăng là 22,2% giảm so với giai đoạn 2011-2015 là 26,6%, tỷ trọng bình quân số thu thuế thu nhập doanh nghiệp là 18,9%, giảm so với giai đoạn 2011-2015 là 20,9% và tỷ trọng bình quân số thu từ thuế thu nhập cá nhân là 8,4% tương đương so với giai đoạn 2011-2015 là 8,3%.
Dù đã có những thành công nhất định trong việc cải cách thủ tục thuế, thay đổi cơ cấu thu ngân sách thế nhưng thách thức của Việt Nam vẫn nằm trong thách thức của nền kinh tế thế giới, do chúng ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế rất cao. Nếu chúng ta dựa nhiều vào xuất khẩu và quy mô thương mại toàn cầu giảm xuống khi đó xuất khẩu của đất nước sẽ khó khăn.
Lịch sử cho thấy chiến tranh thương mại bao giờ cũng có hai mặt và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động ngay đến khối lượng thương mại của Việt Nam từ mức tăng 5,2% năm 2017 đã giảm xuống 4,2% trong năm 2018. Các dự báo cho thấy khối lượng thương mại của Việt Nam 2019 sẽ tiếp tục giảm xuống mức khoảng 4%. Giới chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần những thay đổi nhiều hơn nữa để doanh nghiệp có điều kiện hơn để phát triển.
Có thể nói rằng một trong những khâu đột phát của nền kinh tế đã thực hiện tốt trong thời gian qua là cải cách thể chế, trong đó có cải thiện về chỉ số môi trường cạnh tranh. Nhiều bộ ngành đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục, hướng tới nền kinh tế số để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những cải thiện tích cực từ môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu bị chững lại. Do đó, công đồng doanh nghiệp đang rất mong muốn Chính phủ cần có những bước đi quyết liệt hơn, cải cách thủ tục thực chất hơn nhằm tháo gỡ rào cản không chỉ cho khu vực kinh tế tư nhân và tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung.
Đoàn Thúy
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-nuoi-duong-nguon-thu-de-tang-thu-post59688.html