Cần 'phá băng' quan niệm gây cản trở việc hiến tạng

Căn phòng nhỏ, tối tăm ở góc phố Khâm Thiên, Q.Đống Đa, Hà Nội, là nơi chàng trai khiếm thị Nguyễn Văn Linh (35 tuổi) vẫn đang giành giật sự sống từng ngày. 12 năm qua, Linh vẫn mòn mỏi chờ được ghép thận.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hơn 4.000 người trong danh sách chờ được ghép thận

Phát hiện bản thân bị suy thận giai đoạn cuối năm từ năm 2012, thế giới xung quanh đối với Linh như sụp đổ. Một tia hy vọng lóe lên với anh khi các bác sĩ cho biết, nếu có thận tương thích để ghép thì Linh còn có hy vọng kéo dài sự sống. Anh bắt đầu hành trình vừa chạy thận vừa chờ đợi. 12 năm, trên hai cánh tay gầy tong teo của chàng trai ấy đã chằng chịt u cục của những cầu tay chạy thận, thế nhưng vẫn chưa có thận tương thích để ghép. "Ban đầu, tôi cứ hy vọng và chờ nhưng không có thận, đến hiện tại, nếu có, tôi cũng không chắc cơ thể mình còn ghép được nữa không. Tôi chạy thận đã lâu rồi, giờ cơ thể có nhiều biến chứng", anh Linh tâm sự.

Để tiện chăm sóc con, ông Nguyễn Văn Hạnh, 60 tuổi (ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), bố của anh Linh, đã ra Hà Nội. Hằng ngày, ông chạy xe ôm để lấy tiền trang trải chi phí chạy thận và tích cóp cho con nếu có thận ghép. "Mỗi lần chạy thận về, Linh lại mệt, nằm bẹp một góc như chiếc lá khô. Tôi đau buốt tim gan, chỉ mong sớm có người hiến thận để con có hy vọng sống như người bình thường, thế mà…", ông Hạnh bỏ lửng câu nói. Ông hiểu mỗi ngày qua đi, hy vọng sống của con trai càng ngắn lại.

Anh Linh là 1 trong số hơn 4.000 người đang trong danh sách chờ được ghép thận trên cả nước. Ngoài ra, hiện có hàng nghìn người khác vẫn đang xếp hàng chờ được ghép gan, thận, tim, phổi, giác mạc... Thực tế, tạng ghép cứu người ở nước ta có từ người chết não (do tai nạn giao thông hoặc do đột quỵ não) hiến tặng, từ người nhà hoặc từ người tự nguyện hiến sống cho người bệnh. Một người chết não nếu hiến tạng có thể cứu được mạng sống của ít nhất 7 người khác. Đáng tiếc là đa số người chết não đều được người nhà đưa về mai táng mà không hiến tạng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, việc vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam gặp nhiều thách thức, cần có những giải pháp cụ thể để có thể "phá băng" quan niệm "chết toàn thây", vốn là lực cản của việc hiến tặng mô, tạng từ người chết não.

Anh Nguyễn Văn Linh đã chờ đợi 12 năm để được ghép tạng

Anh Nguyễn Văn Linh đã chờ đợi 12 năm để được ghép tạng

Tìm giải pháp tăng nguồn tạng hiến

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết với những đặc thù về văn hóa, ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não từ 50% đến 60%, thậm chí là hơn 90%. Thế nhưng, tại Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu người, mỗi năm chỉ có khoảng 10 ca chết não hiến tạng, thấp nhất thế giới. Nguồn tạng hiến để ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống, chiếm khoảng 95%.

Để tăng nguồn tạng hiến từ người cho chết não, từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề này, mới đây, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp với các bệnh viện trên cả nước đẩy mạnh công tác đào tạo tư vấn và phát triển mạng lưới tư vấn viên trên cả nước. Bước đầu các khóa đào tạo đã mang lại những tín hiệu tích cực. Số ca hiến so với cùng kỳ các năm trước đều cao hơn. Khóa học giúp các học viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức về cách thức thuyết phục gia đình người bệnh chết não tiềm năng, vai trò của bác sĩ hồi sức và điều dưỡng hồi sức trong hiến tạng từ người chết não, chẩn đoán chết não…

Bên cạnh đó, sau khi đưa vào thí điểm xây dựng mạng lưới bệnh viện vận động hiến tặng mô, tạng, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã hỗ trợ 4 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô tạng. Phải đánh giá được chết não, mới lấy được tạng của người hiến, tránh việc có người hiến nhưng cơ sở y tế không đủ điều kiện lấy tạng, trong khi, nguồn tạng hiến luôn thiếu. "Hiện cả nước mới có 6/26 bệnh viện ghép tạng thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô, tạng. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam còn thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua. Vì vậy cần nhân rộng mô hình chẩn đoán và hồi sức chết não tại bệnh viện chưa ghép tạng", PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.

Mới đây, với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên chẩn đoán được chết não và lấy đa tạng chuyển đi các bệnh viện khác. Việc bệnh viện tuyến tỉnh làm được việc này là một thành công trong hoạt động ghép tạng của Việt Nam, giúp tăng nguồn tạng hiến, mở đường để các bệnh viện tuyến tỉnh khác nâng cao năng lực chẩn đoán chết não.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-pha-bang-quan-niem-gay-can-tro-viec-hien-tang-20240708153201379.htm