Cần phá bỏ rào cản đối với phụ nữ trong tham gia xây dựng hòa bình
Hòa bình cần sự tham gia của mọi công dân. Việc bỏ qua phụ nữ trong các nỗ lực xây dựng hòa bình sẽ bỏ lỡ các giải pháp cho một nền hòa bình lâu dài. Việc xóa bỏ rào cản đối với phụ nữ trong tiến trình xây dựng hòa bình là chủ đề của một cuộc thảo luận do Cơ quan Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức tại Phiên họp thứ 59 của Hội đồng Nhân quyền (diễn ra từ ngày 16/6 đến 9/7/2025).

Ảnh minh họa
Tiếng nói của phụ nữ
Zebiba Musema là thành viên của Mạng lưới bảo vệ nhân quyền phụ nữ Ethiopia. Cô đã tích cực thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bảo đảm công lý của Ethiopia. Phụ nữ Ethiopia đã làm việc trong lĩnh vực ngoại giao qua nhiều thế hệ, giúp xây dựng hòa bình trong cộng đồng của họ như Musema.
Tuy nhiên, những đóng góp của họ thường bị bỏ qua và bị đánh giá thấp vì họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản khi tham gia các quá trình xây dựng hòa bình và an ninh.
Tháo dỡ những rào cản "ăn sâu bén rễ" này là chủ đề của một cuộc thảo luận do Cơ quan Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức tại Phiên họp thứ 59 của Hội đồng Nhân quyền (diễn ra từ ngày 16/6 đến 9/7/2025).
Bà Nada Al-Nashif, Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên khẩn trương thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia có ý nghĩa và đảm bảo bình đẳng trong mọi khía cạnh và cấp độ ra quyết định về hòa bình, an ninh và trong đời sống.

Phụ nữ gặp nhau tại Darfur (Sudan) trong một sáng kiến xây dựng hòa bình
"Khi phụ nữ không có vị trí bình đẳng tại bàn đàm phán, tất cả chúng ta đều thua thiệt. Đó là động lực thúc đẩy Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an, được thông qua cách đây 25 năm", bà Nada Al-Nashif nói.
Cách đây 25 năm, Liên hợp quốc lần đầu tiên kêu gọi phụ nữ tham gia bình đẳng vào hòa bình và an ninh. Đến nay, Cơ quan Nhân quyền Liên hợp quốc ủng hộ sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ vào hoạt động ngoại giao và xây dựng hòa bình, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Tổ chức này cung cấp đào tạo và vận động, công nhận và hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời ủng hộ và tăng cường vai trò của những người bảo vệ nhân quyền là phụ nữ.
Dữ liệu cho thấy, phụ nữ chiếm chưa đến 10% trong số những người đàm phán hòa bình trên toàn cầu và không có một thỏa thuận hòa bình nào vào năm 2023 có sự tham gia của các nhóm phụ nữ. Năm 2023, chỉ có 8 trong số 31 thỏa thuận đã ký kết có đề cập rõ ràng đến phụ nữ, trẻ em gái, bạo lực giới hoặc bạo lực tình dục.

Bà Nada Al-Nashif, Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc
Các rào cản mang tính hệ thống đối với sự tham gia của phụ nữ trong các nỗ lực xây dựng hòa bình và ra quyết định bao gồm nhiều hình thức phân biệt đối xử chồng chéo và các chuẩn mực giới truyền thống, các khuôn mẫu giới có hại, bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm cả trong lĩnh vực chính trị.
"Trong hầu hết các nền văn hóa, phụ nữ không được phép lên tiếng. Giữ im lặng được coi là một phẩm chất; do đó, có sự phản kháng từ phía cộng đồng, đặc biệt là trong các xã hội gia trưởng truyền thống", cô Musema cho biết.
Đối với nhà đấu tranh cho quyền phụ nữ như Musema, việc phá bỏ những rào cản như vậy là rất quan trọng để tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong quá trình theo đuổi hòa bình.
"Giáo dục đóng vai trò quan trọng để phụ nữ đòi quyền lợi của mình nhưng cũng có vấn đề về nguồn lực và đào tạo. Phụ nữ cần có cơ quan hoạt động riêng để xây dựng hòa bình nhằm đảm bảo bình đẳng giới. Việc củng cố các tổ chức xã hội dân sự địa phương, thúc đẩy giáo dục và đào tạo phụ nữ có thể giúp đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa", cô cho biết.

Zebiba Musema, thành viên của Mạng lưới bảo vệ nhân quyền phụ nữ Ethiopia
Phụ nữ bản địa và hòa bình
Genith Quitiaquez, một nhà nông học và là người thực hành luật bản địa từ cộng đồng dân tộc Pastos ở Colombia, là một ví dụ về những người phụ nữ bản địa đã có những đóng góp đáng kể cho hòa bình và an ninh.
Quitiaquez tiên phong trong các cách tiếp cận sáng tạo để phòng ngừa xung đột và bảo đảm công lý. Quitiaquez là thành viên của Cơ quan điều phối quốc gia phụ nữ bản địa Colombia (CONAMIC), một tổ chức tập hợp đại diện của các nhóm dân tộc bản địa tại Colombia.
Mặc dù CONAMIC không liên quan trực tiếp đến các hiệp định hòa bình lịch sử năm 2016 theo nghĩa là một bên ký kết hoặc đàm phán, nhưng tổ chức này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền của người dân bản địa và đang thúc đẩy việc thực hiện cách tiếp cận lấy dân tộc làm trung tâm trong các hiệp định hòa bình.

Genith Quitiaquez, thành viên của Ban điều phối quốc gia về phụ nữ bản địa Colombia
"Chúng tôi, những người phụ nữ, biết rằng việc xác định một cách khác để xây dựng hòa bình là rất cấp thiết: Không dựa trên chiến tranh, không giới hạn ở việc làm im tiếng súng, mà thay vào đó là chuyển đổi các nguyên nhân thúc đẩy bạo lực ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế. Chẳng hạn như vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống và khủng hoảng khí hậu", cô Quitiaquez cho biết.
Theo Quitiaquez, phụ nữ bản địa ở Colombia là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và đang ở tuyến đầu của quá trình chữa lành và phục hồi. "Hòa bình không phải là thứ có sẵn, nó được "dệt nên". Và trong "tấm vải" hòa bình đó, phụ nữ là những "sợi chỉ chữa lành".
Chúng tôi không tìm kiếm sự tham gia mang tính trang trí, mà là sự tham gia tích cực với quyền ra quyết định. Chúng tôi muốn được có mặt trên các bàn đàm phán và chúng tôi cũng muốn thay đổi cách hiểu về vai trò của phụ nữ ở đó", Quitiaquez nói.
Còn Negina Yari, một nhà hoạt động xã hội dân sự đến từ Afghanistan, đã đấu tranh cho quyền của phụ nữ tại đất nước cô trong nhiều năm, hiện sống lưu vong.

Negina Yari đến từ Afghanistan
"Chúng tôi đang bị loại khỏi các diễn đàn, đối thoại và không gian ra quyết định cả bên trong Afghanistan và ở nơi lưu vong. Phụ nữ di cư bị đối xử như những người đến sau. Phụ nữ trong nước được trao những vai trò mang tính tượng trưng hoặc không có vai trò nào cả", Yari phát biểu.
Yari cho biết, sự tham gia của phụ nữ phải là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ không gian đàm phán hòa bình nào ở Afghanistan.
"Sẽ khó có tiến triển nếu không có sự tham gia của phụ nữ Afghanistan tại bàn đàm phán hòa bình. Hãy đảm bảo sự có mặt của phụ nữ Afghanistan ở tất cả các cuộc tham vấn toàn cầu và khu vực, không phải với tư cách là người quan sát, mà là những nhà lãnh đạo và người ra quyết định", cô Yari nói.
Một nghiên cứu toàn cầu do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tiến hành cách đây 10 năm cho thấy, sự tham gia của phụ nữ đã làm tăng 20% khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình kéo dài ít nhất 2 năm và tăng 35% khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình kéo dài 15 năm.
Nguồn: ohchr.org