Cần phải có Luật về 'Quyền thụ hưởng bán tiếp'
Một đêm đầu tháng 4/2023, tại Hongkong, chiếc búa gõ xuống trong phòng đấu giá của nhà Sothebys đã đánh dấu tiếp tục một kỷ lục đối với hội họa Việt Nam. Bức tranh lụa 'Gia đình trong vườn' (sáng tác năm 1938) của họa sĩ Lê Phổ đã được bán với giá 18,6 triệu HKD, tương đương 2,37 triệu USD. Với mức giá này, 'Gia đình trong vườn' chính thức là tác phẩm được đấu giá cao nhất của họa sĩ Lê Phổ.
Đồng thời, nó cũng là tác phẩm cao giá thứ hai trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, sau bức “Chân dung cô Phượng” của họa sĩ Mai Trung Thứ (3,1 triệu USD). Trước đó, cách đây 1 năm, bức “Dáng hình trong vườn” của họa sĩ Lê Phổ cũng đã từng được Sothebys đấu giá thành công ở mức 2,29 triệu USD.
Tất cả những thông tin kể trên đáng được xem là tin vui đối với hội họa Việt Nam nói chung và đặc biệt là đối với gia đình của họa sĩ Lê Phổ nói riêng. Nhưng ngoài niềm vui ấy là gì? Có chăng chỉ là thêm một chút tự hào nữa khi di sản tác phẩm để lại của ông được đánh giá cao, được săn đón bởi các nhà sưu tầm mà thôi. Còn về tài chính, gia đình họa sĩ Lê Phổ, mà đại diện là Alain Lê Kim, con trai của ông, chắc chắn không nhận được một đồng nào. Toàn bộ số tiền, sau khi trừ các khoản phí theo luật, đều về tay nhà sưu tập nước ngoài mà theo quy định, Sothebys phải giấu tên.
Câu chuyện quyền lợi tài chính như trên không chỉ là thiệt thòi của riêng gia đình cố họa sĩ Lê Phổ mà đang là câu chuyện phổ quát của giới hội họa Việt Nam cũng như vài nước khác. Tập quán xưa nay vẫn là khi họa sĩ bán hay tặng tác phẩm của mình, kể từ đó, họa sĩ hoặc người thừa kế vĩnh viễn không còn nắm giữ quyền sở hữu nữa. Người sưu tập tranh của họa sĩ nếu thực hiện việc mua bán tác phẩm, nghiễm nhiên người sưu tập ấy nắm giữ toàn bộ lợi ích tài chính thu được.
Tác phẩm mỹ thuật xưa nay vẫn là dạng tác phẩm - tài sản mà tác giả của nó chịu thiệt thòi hơn nhiều loại hình nghệ thuật khác. Đơn cử, hãy so sánh với âm nhạc. Một nhạc sĩ sau khi bán một ca khúc cho một ca sĩ sử dụng để thu âm, nhạc sĩ đó vẫn thu được các quyền lợi tài chính cụ thể từ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Nguồn thu ấy được gọi là “royalty fee” và hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn đang thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ đi thu phí ủy quyền cho các nhạc sĩ.
Trong giới hội họa, cái gọi là “royalty fee” này thực tế vẫn tồn tại. Nó được gọi là “quyền thụ hưởng bán tiếp” (Artists Resale Right hoặc Droit de Suite trong tiếng Pháp) và tùy theo luật ở mỗi quốc gia áp dụng, mức “royalty fee” mà mỗi họa sĩ (hoặc người thừa kế của họa sĩ) nhận được sẽ dao động từ 10- 15%. Quyền thụ hưởng bán tiếp này dựa trên căn cứ chính của Luật Sở hữu trí tuệ với các định nghĩa, quy định rất mạch lạc. Chỉ có điều, cách hiểu và tiếp cận vấn đề của những người tham gia thị trường hội họa ở Việt Nam hôm nay vẫn còn chưa được mạch lạc như đáng lẽ cần phải có và do đó, Việt Nam chưa hề có luật quy định cụ thể về quyền thụ hưởng bán tiếp, dẫn tới rất nhiều thiệt thòi cho giới hội họa từ xưa tới nay.
Cơ bản, một tác phẩm mỹ thuật không giống các dạng tác phẩm nghệ thuật khác ở chỗ nó có thể phân thành hai dạng tài sản. Thứ nhất là tài sản trí tuệ, tức là bức tranh ấy, bức tượng kia, dù có được mua đứt bởi bất kỳ nhà sưu tập nào đi nữa thì quyền sở hữu trí tuệ về nội dung và hình thức tác phẩm vĩnh viễn không bao giờ bị tước khỏi tay tác giả. Thứ hai là tài sản vật chất. Sưu tập tranh là vì yêu thích hội họa nhưng đó cũng là một cách để đầu cơ tài sản lâu dài. Khi nhà sưu tập mua một tác phẩm mỹ thuật, điều đó có nghĩa ông ta sở hữu 100% tài sản vật chất này. Song, khi nhà sưu tập bán lại, tài sản vật chất ấy có thể cấu thành nên mức giá mà người mua sẵn sàng trả là bởi lẽ nó còn gắn liền với tài sản trí tuệ của tác giả tạo ra nó. Nói ngắn gọn, nếu “Gia đình trong vườn” không phải là của Lê Phổ mà chỉ là một bức tranh của một họa sĩ vô danh nào đó, không thể nào nó được bán với mức giá kỷ lục được.
Hiện nay, các họa sĩ Việt mới chỉ khai thác được quyền sở hữu trí tuệ của mình sau khi tranh bán đi nếu như có đơn vị nào đó sử dụng bức tranh ấy để nhân bản qua các hình thức ấn hành khác mà thôi. Và gọi là khai thác được cũng chỉ là nhắc tới việc họ “có quyền khai thác” chứ nếu bàn đến khả năng khai thác thì vẫn còn rất mơ hồ bởi lẽ giới hội họa vẫn thiếu một tổ chức ái hữu nghề nghiệp như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam chuyên lo việc thay mặt các tác giả đi đòi tiền.
Cái thiếu lớn nhất gây ra sự thiệt thòi cho giới họa sĩ Việt Nam chính là cái thiếu của luật. Việt Nam chưa áp dụng, hay nói khác hơn là chưa có một đạo luật cụ thể như “Droit de Suite”. Luật này đã được áp dụng ở trên 70 quốc gia trên thế giới và ngay cả trong Công ước Berne, một Công ước mà Việt Nam có tham gia, cũng có những quy định rất cụ thể khẳng định tính pháp lý của nó. Ở Đông Nam Á, Phillippines là quốc gia đã có luật này và khi thị trường tranh Việt Nam đang bắt đầu nóng lên trở lại, việc cần có một đạo luật như “Droit de Suite” là vô cùng cần thiết.
Cái thiếu thứ hai đến từ chính sự dễ dãi của các họa sĩ. Như họa sĩ Lê Kinh Tài từng nhận xét, việc định giá tranh của giới họa sĩ Việt Nam còn cảm tính. Ngay cả việc bán, tặng tranh, họa sĩ cũng hành động rất xuề xòa. Vẫn còn nhiều người sau khi giao tác phẩm của mình vào tay người khác, không có kèm theo giấy chứng nhận nguyên bản cũng như những ràng buộc về quyền lợi cho mỗi lần chuyển nhượng tiếp sau. Chính vì lỗ hổng này mà nhiều tranh Việt lên sàn giá cao nhưng họa sĩ hay gia đình họ chỉ nhận về thứ duy nhất là một nụ cười.
Theo báo cáo mới đây nhất về thị trường mỹ thuật thế giới, bất chấp kinh tế suy thoái nghiêm trọng do hậu COVID-19, do chiến tranh, do khủng hoảng tài chính, tổng doanh thu thị trường mỹ thuật toàn cầu vẫn tăng 3%, đạt mức 67,8 tỷ USD. Rõ ràng, trong các rủi ro từ nhiều biến cố xã hội, vẫn có nhiều người xem các tác phẩm mỹ thuật là một dạng tài sản đầu tư an toàn nhất bởi khả năng tăng giá trị đột biến của nó là không ai có thể lường trước. Với một thị trường bắt đầu sôi động hơn như vậy, cùng với việc giới mỹ thuật đương đại Việt Nam đang gây được sự chú ý trở lại đối với thế giới, cộng hưởng thêm việc Sothebys cũng đã bắt đầu có những hoạt động cụ thể ở Việt Nam thông qua việc xây dựng bộ máy của họ ở đây, thiết nghĩ chuyện xây dựng và thực hành một đạo luật bảo đảm quyền lợi từ sở hữu trí tuệ của giới mỹ thuật là việc cần phải làm ngay. Đó cũng chính là hành động để phát triển văn hóa. Đơn giản, khi nó mang lại lợi ích thiết thực cho họa sĩ, nó sẽ kích thích sức sáng tạo hơn nữa. Và vượt trên hết, nó tạo ra một văn hóa biết tôn trọng nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ, một thứ quyền luôn được đề cao mỗi khi Việt Nam giao thương với các đối tác nước ngoài.