Cần phải tính cơ chế đặc thù cho các phường đông dân

Nhiều phường đông dân ở TP.HCM mong muốn có cơ chế đặc thù trong sắp xếp cán bộ, làm sao để họ phục vụ dân tốt nhất.

Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận ý kiến của một số lãnh đạo các phường này.

Cần cơ chế đặc thù vì việc gấp 3-4 lần nơi khác

Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho hay do phường đông dân (123.000 dân, 27 khu phố, 372 tổ dân phố, gấp 3-4 lần phường khác...) nên chỉ giải quyết sự vụ, sự việc phát sinh hằng ngày trong dân cũng đã rất áp lực, căng thẳng và mất nhiều thời gian.

Theo ông Ngân, với 23 công chức hiện nay thì không thể đủ sức gồng gánh mọi việc, phường phải phân công cán bộ không chuyên trách phụ trách giám sát trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn để tăng hiệu quả quản lý, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị.

“Đã nhiều lần TP, sở, ngành về phường họp đều hỏi chúng tôi có làm nổi không. Nhưng thực sự chúng tôi không thể lấy lý do là phường đông dân nên không làm nổi. Mà công việc phải tự sắp xếp cho khoa học nề nếp, đòi hỏi có đầu tư. Tuyệt đối không lấy lý do đông dân nên không làm hết mình” - ông Ngân cho hay.

Theo ông Ngân, với số biên chế hiện tại thì phường Bình Hưng Hòa A vẫn có thể đáp ứng yêu cầu trong công tác phục vụ nhân dân. Nhưng nếu còn giảm nữa thì e là khó đảm đương được công việc.

“Mới đây, khi góp ý với Sở Nội vụ TP về Nghị định 34/2019 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), chúng tôi đã có kiến nghị TP về vấn đề này. Cụ thể là cần có quy định cụ thể, đặc thù về số lượng biên chế cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách đối với phường có quy mô dân số trên 100.000 dân để phường triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong thời gian tới” - ông Ngân cho biết.

Ông Dương Thanh Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, thường tranh thủ ngồi ngay phòng tiếp dân để ký cho nhanh hồ sơ, kịp trả cho dân. Cao điểm có ngày ông ký hết 2-3 cây viết mực. Ảnh: LÊ THOA

Ông Dương Thanh Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, thường tranh thủ ngồi ngay phòng tiếp dân để ký cho nhanh hồ sơ, kịp trả cho dân. Cao điểm có ngày ông ký hết 2-3 cây viết mực. Ảnh: LÊ THOA

Kiến nghị tăng cán bộ không chuyên trách

Ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cho hay: Xã đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo tình hình vi phạm về đất đai, xây dựng rất phức tạp. Do địa bàn xã rộng nên việc tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý rất khó khăn. Hiện UBND xã trang bị 40 ghế ở văn phòng tiếp dân nhưng vẫn không đủ và sắp tới phải mở rộng thêm.

Ông Phong thông tin: Số lượng hồ sơ hành chính mà xã tiếp nhận để giải quyết luôn rất lớn. Trong sáu tháng đầu năm 2019, phường tiếp nhận đến 3.184 hồ sơ tư pháp - hộ tịch, trên 21.000 hồ sơ chứng thực - sao y, ban hành 2.722 văn bản hành chính. Riêng về lĩnh vực đất đai, xây dựng thì số hồ sơ lên đến 4.000 hồ sơ/năm, tính trung bình một tháng phải giải quyết 300 hồ sơ.

Theo ông Phong, với khối lượng công việc như vậy, việc quá tải trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương là rất lớn.

Với thực tế như trên, vị chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết đã có kiến nghị Sở Nội vụ, UBND huyện Bình Chánh xem xét, có cơ chế đặc thù về số lượng cán bộ không chuyên trách đối với xã có tốc độ đô thị hóa nhanh như xã Vĩnh Lộc B để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn xã.

Làm với 200% sức lực sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc

Ông Trịnh Trọng Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, cho hay: Với áp lực hiện nay của công việc, cán bộ phường đều trong tình trạng quá tải. Một người phải gánh lượng lớn các công việc nên không có thời gian để tái tạo sức lao động. Từ đó khả năng sáng tạo trong công việc, đưa ra những sáng kiến mới từ cán bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Thành cho hay với dân số 110.000 người, mỗi năm UBND phường ban hành gần 20.000 văn bản. Riêng trong lĩnh vực quản lý về địa chính - xây dựng, hai cán bộ của phường phải làm việc với 200% sức lực mỗi ngày thì mới mong giải quyết hết số công việc trong ngày.

Còn bà Cao Đoàn Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Phước Long B, quận 9, cho biết: “Mỗi ngày phường tiếp nhận trên 200 hồ sơ. Riêng bộ phận sao y - chứng thực thì luôn quá tải. Cán bộ địa chính thì phải đi thực tế suốt ngày, thiếu người thì phải điều thêm bộ phận khác qua, đi thực tế về rồi bắt buộc phải ở lại để giải quyết hồ sơ đến 8-9 giờ tối mới về”.

“Phải nói là hiện nay chúng tôi rất cần thêm nhân lực ở bộ phận văn phòng ủy ban” - bà Thủy cho biết.

LÊ THOA - THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/can-phai-tinh-co-che-dac-thu-cho-cac-phuong-dong-dan-861023.html