Cần phân biệt rõ các loại công cụ hỗ trợ thuộc diện quản lý của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến việc cần phân biệt rõ các loại công cụ hỗ trợ thuộc diện quản lý của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; Quy định dao từ 20cm trở lên hoặc dao độ chế là vũ khí thô sơ…
Cần tách bạch quy định trong các lực lượng vũ trang
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi trong dự thảo luật. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật đại biểu Hoàng Hữu Chiến tham gia góp ý vào 5 nội dung.
Thứ nhất, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho biết, tại điểm a khoản 11 Điều 3 giải thích từ ngữ, dự thảo luật quy định: “Các loại súng, công cụ hỗ trợ, dùi cui, phương tiện khác hoặc động vật nghiệp vụ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của luật này để thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”.
Theo đại biểu, nội dung này có điểm chưa rõ, vì có thể hiểu các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, động vật nghiệp vụ được trang bị trong quân đội cũng thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, vì lực lượng vũ trang bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nghĩa hơn phạm vi vũ khí, công cụ hỗ trợ, động vật nghiệp vụ thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng.
Thứ hai, theo đại biểu, tại khoản 4 Điều 4 dự thảo luật quy định: “Người có thẩm quyền, ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm từ “quản lý” trước cụm từ “sử dụng” và viết lại thành: “Người có thẩm quyền, ra mệnh lệnh hoặc quyết định quản lý, sử dụng vũ khí” nhằm đảm bảo đầy đủ toàn diện, vì người chỉ huy không đơn thuần chỉ chịu trách nhiệm về việc ra mệnh lệnh quy định riêng về việc sử dụng vũ khí mà còn phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý, do đó cần phải nghiên cứu thêm nội dung này.
Thứ ba, theo đại biểu, tại điểm d khoản 2 Điều 16 dự thảo luật quy định vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.
“Quy định như dự thảo chưa bao hàm hết những trường hợp các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được cho, tặng, viện trợ nhưng có tiêu chuẩn hiện đại hơn, cao hơn tiêu chuẩn của Việt Nam thì giải quyết như thế nào? Do đó, tôi đề nghị cần nghiên cứu thêm nội dung này” - đại biểu Hoàng Hữu Chiến kiến nghị.
Đề nghị bổ sung thêm chủ thể là “Đồn Biên phòng”
Góp ý vấn đề thứ tư, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho biết, tại khoản 1 Điều 56 dự thảo luật quy định: “Các loại công cụ hỗ trợ phải được cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký, khai báo với cơ quan công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào cuối khoản 1 cụm từ “trừ các loại công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý” để đảm bảo rõ ràng, cụ thể và phù hợp với khoản 3 điều này quy định về thủ tục cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ đối với đối tượng thuộc quân đội nhân dân.
Thứ năm, tại khoản 1 Điều 61 và khoản 1 Điều 64, đại biểu đề nghị bổ sung chủ thể là “Đồn Biên phòng” và viết lại thành “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an, Đồn Biên phòng” với các lý do:
Thứ nhất, việc quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 65 và khoản 1 Điều 66 của dự thảo luật này.
Thứ hai, đúng với vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng theo Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia quy định: “Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.
Thứ ba, theo đại biểu, hiện nay các Đồn Biên phòng vẫn đang thực hiện tốt nhiệm vụ này ở khu vực biên giới, thường xuyên vận động quần chúng Nhân dân, các cơ quan, tổ chức giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là vũ khí tự chế, góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Tính từ năm 2018 đến nay, các Đồn Biên phòng đã vận động giao nộp và tiếp nhận xử lý theo quy định 3.488 khẩu súng các loại, 5.559 viên đạn, 183 quả lựu đạn, bom mìn, đầu đạn các loại, 3.181 kg thuốc nổ, 9.134 kíp nổ, 1.782m dây cháy chậm, 659 công cụ hỗ trợ, 140 vũ khí thô sơ, 152 linh kiện để lắp ráp vũ khí…
Cần phân chia các trường hợp cụ thể để xác định thế nào là vũ khí thô sơ
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định quan tâm tới điểm b khoản 4 Điều 3 dự thảo quy định: “Dao có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp đặt có thể coi là vũ khí thô sơ”.
Theo đại biểu, quy định theo dự thảo luật sẽ tăng tính răn đe đối với những đối tượng có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác, các đối tượng này không còn lợi dụng việc sử dụng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi đe dọa, xâm hại cơ thể người khác mà được xử nhẹ hơn so với việc sử dụng vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phương án này cũng có một số hạn chế.
Thứ nhất, nếu quy định dao từ 20cm trở lên hoặc dao độ chế là vũ khí thô sơ thì những đối tượng trên có xu hướng sẽ sử dụng vũ khí thô sơ theo quy định hiện hành nhiều hơn là sử dụng giao từ 20cm trở lên vì sử dụng vũ khí thô sơ sẽ có lợi thế hơn trong các vụ ẩu đả.
“Thứ hai, quy định này sẽ không hạn chế được nhiều trường hợp người dân thường, trẻ em sử dụng dao nhỏ, vật nhọn mất kiểm soát, mất lý trí trong trường hợp giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống khi giận quá mất khôn” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Để hạn chế được thương vong theo hướng phòng là chính, cũng giúp cho người sử dụng dao cho mục đích lao động sản xuất, học tập, sinh hoạt thể dục thể thao được thuận tiện, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu thông thường hằng ngày thì không xem là vũ khí thô sơ.
“Khi nào người cầm dao, vật nhọn trong hoàn cảnh được suy đoán là có nguy cơ sử dụng không vì mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, thể dục thể thao thì lúc đó dao, vật nhọn trở thành vũ khí thô sơ, người có nguy cơ bị thương vong, các cá nhân, tổ chức khác có quyền, trách nhiệm báo cáo với cơ quan chức năng về hành vi cầm dao, vật nhọn đang có nguy cơ gây thương vong cho người khác và cơ quan chức năng sẽ có đủ căn cứ để dùng các biện pháp nghiệp vụ để tước dao, vật nhọn khỏi người đang sử dụng” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị.
Yêu cầu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, buổi thảo luận tại hội trường đã có 19 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 ý kiến tranh luận, không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, khách quan và nhiều thông tin; các ý kiến đều có căn cứ chính trị pháp lý và thực tiễn rõ ràng, sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với dự thảo luật…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các ý kiến cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhất trí về bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Báo cáo tiếp thu của Bộ Công an và cơ bản nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một Kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu thảo luận hôm nay (ngày 3/6 – PV) cũng như ý kiến thảo luận tại tổ trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện kỹ thuật văn bản và báo cáo tiếp thu giải trình cũng như dự thảo luật trình Quốc hội thông qua, với tinh thần không có ý kiến nào không được tiếp thu, giải trình, tạo được sự đồng thuận cao, đúng kế hoạch và đúng chương trình của Kỳ họp…