Cần phân cấp quản lý rõ ràng

Trước thực tế, nhiều nội dung về biểu diễn được quy định trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP và 15/2016/NĐ - CP đã không còn phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ cho phép sửa đổi hai Nghị định này.

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định số 79/2012/NĐ – CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ – CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/5/2016. Trong 5 năm triển khai, hai Nghị định trên đã thể chế hóa chủ trương, đường lối, của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật vào thực tiễn đời sống góp phần tích cực giúp cơ quan quản lý thực hiện tốt các biện pháp quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Tuy nhiên, công tác quản lý cũng như lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn luôn chứa đựng yếu tố mới về nội dung, hình thức thể hiện, do đó một số quy định tại Nghị định sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Trước bất cập trên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ cho phép sửa đổi hai Nghị định nói trên để phù hợp với tình hình thực tiễn. Được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn, đồng thời tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp nội dung dự thảo Nghị định. Tại hội thảo, đa số các đại biểu đồng ý với nội dung dự thảo và đánh giá dự thảo Nghị định có nhiều tiến bộ, tạo sự cởi mở, thông thoáng hơn so với Nghị định cũ.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 6 chương, 38 điều. Trong đó, một số nội dung đã được sửa đổi cho phù hợp với Luật và thực tiễn quản lý chính sách như nội dung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; chính sách đối với cá nhân đại diện Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; chính sách thực thi quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình tác phẩm các loại hình nghệ thuật biểu diễn.

Bên cạnh đó, dự thảo sẽ hoàn thiện, bổ sung chính sách cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển hoạt động sáng tạo nghệ thuật biểu diễn. Dự thảo cũng hoàn thiện các chính sách trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trực tiếp, đặc biệt qua môi trường mạng để truyền tải đến công chúng, đảm bảo sự nghiệp "phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân" được quy định tại khoản 2 điều 60 Hiến pháp năm 2013. Đây là một trong những nội dung quan trọng được tập trung xây dựng để quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cục Biểu diễn nghệ thuật cũng cho biết, Dự thảo sẽ tạo lập cơ sở pháp lý hoàn thiện vai trò cơ chế phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; kế thừa và tiếp tục thực hiện đối với các quy định chung về nội dung chính sách của Nhà nước và hệ thống thiết chế quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đảm bảo nội dung quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận thấy, thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề khác giai đoạn trước. “Chúng tôi, với vai trò quản lý ngành đã gặp phải rất nhiều tình huống mà nếu như không nhìn rộng về tương lai cũng như có những dự đoán trước thì các Nghị định rất khó triển khai trong thời gian tới. Về mặt quản lý Nhà nước cần phải điều chỉnh sao cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn được minh bạch, rõ ràng”, Thứ trưởng cho biết.

Vấn đề phân cấp quản lý cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương được nhiều đại biểu bàn luận vì đây là vấn đề đang gặp nhiều bất cập. Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nêu ý kiến: Theo quy định cũ, khi có giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì đến địa phương chỉ cần xuất trình giấy phép là đơn vị được tổ chức biểu diễn, nhưng theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, ngoài giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đơn vị biểu diễn phải xin phép địa phương trước khi biểu diễn. Như vậy, thủ tục rất phức tạp và mất thời gian, không đáp ứng mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.

Ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, nếu theo Nghị định mới, một đơn vị khi biểu diễn cùng một nội dung nhưng tại nhiều tỉnh khác nhau cũng phải xin giấy phép từng tỉnh như vậy sẽ rất phức tạp, mất thời gian. Một số đại biểu còn cho rằng, việc phải chờ địa phương thẩm định nội dung biểu diễn và các giấy tờ liên quan trước khi cấp phép biểu diễn cũng mất không ít thời gian.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Cục sẽ cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động cho các đơn vị biểu diễn. Giấy phép này sẽ được công bố trên Website của Cục và được công bố trên toàn quốc. Khi đơn vị biểu diễn đến địa phương xin cấp phép biểu diễn, địa phương chỉ cần tra cứu trên website của Cục Nghệ thuật biểu diễn là có thể biết được đơn vị đó có đủ điều kiện hoạt động hay không. Nếu tra cứu thấy đơn vị đủ điều kiện hoạt động, địa phương chỉ cần làm việc về nội dung chương trình, không cần phải xem xét các giấy tờ để kiểm tra điều kiện hoạt động, giảm thiểu thời gian xem xét cho địa phương và thời gian chuẩn bị, chờ đợi kết quả cho đơn vị biểu diễn. Nếu kiểm tra thấy đơn vị không đủ điều kiện hoạt động thì có thể tự động từ chối cấp phép mà không cần xin ý kiến Cục.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, phân cấp quản lý về địa phương là cần thiết, giúp địa phương tránh được việc bắt buộc phải xem, phải tiếp nhận những chương trình chưa chắc đã phù hợp với bản sắc văn hóa, chính sách đang phát triển của địa phương mình.

Cục Biểu diễn nghệ thuật cũng cho biết, Dự thảo sẽ tạo lập cơ sở pháp lý hoàn thiện vai trò cơ chế phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; kế thừa và tiếp tục thực hiện đối với các quy định chung về nội dung chính sách của Nhà nước và hệ thống thiết chế quản lý các hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đảm bảo nội dung quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Dự thảo cũng tuân thủ nguyên tác trong xây dựng, ban hành chính sách, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và trong công tác quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị nghệ thuật biểu diễn trên cơ sở quy định của pháp luật.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-phan-cap-quan-ly-ro-rang-98875.html