Cần phát huy năng lực đơn vị sự nghiệp khoa học chăn nuôi
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi ở xã Bình Sơn, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) là đơn vị sự nghiệp công lập nghiên cứu khoa học chăn nuôi thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có nhiều sản phẩm khoa học ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, góp phần phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, cần có cơ chế phát huy năng lực các nhà khoa học và tiềm năng của Trung tâm này.
Bảo tồn, phát triển giống trâu tốt
Theo nghiên cứu, thịt trâu là thực phẩm bổ dưỡng nên thịt trâu làm thực phẩm đang ngày càng phổ biến, có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, nuôi trâu theo hướng hàng hóa, hướng thịt, nhất là ở các tỉnh miền núi vẫn còn nhiều hạn chế như phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chăn nuôi theo kiểu tận dụng, ít đầu tư, rất ít hộ chăn nuôi tập trung hàng hóa nên hiệu quả thấp. Hầu như không có doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trâu. Giống trâu vẫn chưa được coi trọng, chủ yếu vẫn là giống trâu địa phương, cận huyết, tầm vóc nhỏ, trọng lượng thấp, ít thịt.
Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc và đội ngũ cán bộ khoa học Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy khảo sát, nghiên cứu, phát hiện trâu “ngố”, giống trâu có gien tốt nhất ở nước ta với tầm vóc cao lớn, thể trạng tốt, nhiều thịt, thường sinh sống ở Hàm Yên, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Bảo Yên (Lào Cai), Thanh Chương (Nghệ An); trâu đầm lầy (Thái Lan), trâu Murrah (Ấn Độ).
Đây là những giống trâu tốt, tầm vóc cao lớn (khoảng gần một tấn) được đưa về Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi nuôi, nghiên cứu. Tuy vậy, cho trâu đực nhảy trực tiếp để tạo ra nghé F1 hiệu quả không cao, vì số lượng hạn chế, đặc biệt trâu Murrah chỉ nhảy trâu cái trong đàn.
Trước tình hình đó, Tiến sĩ Đại và các cộng sự đã nghiên cứu, sản xuất thành công tinh cọng rạ trâu; đồng thời nghiên cứu thành công kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trâu, kỹ thuật phát hiện trâu cái động dục. Đây là những nghiên cứu đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cải tạo đàn trâu địa phương theo hướng thịt thông qua thụ tinh nhân tạo.
Từ kết quả đó, tinh trâu Murrah, trâu Thái Lan, trâu “ngố” đã được sản xuất hàng loạt, số lượng lớn, giá thành rẻ, sử dụng lâu dài. Từ những thành công này, cộng với việc tập huấn, đào tạo đội ngũ cộng tác viên thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trâu nên đến nay đã ứng dụng tại hơn 10 tỉnh, bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh miền núi phía bắc, là những nơi có tiềm năng, thế mạnh, tập quán, kinh nghiệm chăn nuôi trâu tốt nên hằng năm tạo ra hàng nghìn trâu lai hướng thịt có trọng lượng cao hơn trâu bản địa từ 20-30%, góp phần phát triển chăn nuôi trâu, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Thành tựu nghiên cứu, sản xuất thành công tinh cọng rạ trâu và kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật phát hiện động dục ở trâu cái là bước tiến vượt bậc trong việc cải tạo, nâng giá trị chăn nuôi trâu. Tuy nhiên, việc ứng dụng thành tựu này vào chăn nuôi chưa phổ biến, bình quân mỗi năm mới chỉ có khoảng từ 5 đến 10 nghìn liều tinh cọng rạ trâu được sử dụng từ Nghệ An trở ra là quá ít so với thực tế và tiềm năng chăn nuôi trâu. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng và nông dân chưa nhận thức đầy đủ ứng dụng thành tựu này và hiệu quả kinh tế đối với chăn nuôi trâu.
Để phát huy năng lực khoa học
Những năm vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã có nhiều sản phẩm khoa học hữu ích, như nghiên cứu giống cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc; quy trình chế biến, bảo quản thức ăn đại gia súc; sử dụng phế phụ phẩm nông- công nghiệp cho đại gia súc; mức dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho đại gia súc; quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo đại gia súc; nhiều quy trình chăn nuôi, mô hình giáo dục thực nghiệm... được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi được coi là có tiềm lực, uy tín với 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, hàng chục kỹ sư chuyên ngành về chăn nuôi. Là một nhà khoa học, người quản lý, Tiến sĩ Đại không muốn nói về những khó khăn, bất cập của chính sách về đất đai, cơ sở vật chất, phát huy năng lực nghiên cứu khoa học, đời sống cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập nghiên cứu khoa học chăn nuôi, nhưng ông rất trăn trở làm sao tháo gỡ bất cập đối với những vấn đề này.
Ví như cơ sở vật chất của Trung tâm đã đầu tư hơn 50 năm, xuống cấp, lạc hậu, không còn phù hợp với chăn nuôi hiện đại, trong đó để có một liều tinh cọng rạ trâu mất nhiều công sức với 60% là chi phí cho sản xuất, bảo quản. Rất muốn liên kết, hợp tác để thu hút đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, sản xuất con giống, sản phẩm chăn nuôi mà cơ chế chưa rõ ràng. Thu nhập của nhà khoa học nghiên cứu chăn nuôi thấp, dù có được giao đề tài nghiên cứu, được nghiệm thu, nhưng thu nhập theo ngày công hằng tháng và mỗi năm không quá số giờ làm thêm như hành chính.
Thu nhập thấp, không những không thu hút được sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc mà những năm gần đây nhiều nhà khoa học xin nghỉ việc tại Trung tâm, xin về hưu sớm để ra làm bên ngoài, trung tâm nghiên cứu vaccine chăn nuôi tư nhân, công ty chăn nuôi, hoặc ở lại làm việc thì “chân trong, chân ngoài”.