Cần phạt lao động công ích và giam hành chính
Hiện nay, có 5 hình thức xử phạt VPHC: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm; trục xuất.
Nguyên tắc cơ bản của trách nhiệm pháp lý là sự công bằng trong việc truy cứu, nghĩa là áp dụng chế tài phải đảm bảo tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm. Trong khi đó, hiện nay việc xử phạt VPHC lại chưa đảm bảo sự tương xứng về tính chất với hành vi vi phạm. Ví dụ, theo NĐ 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vứt bỏ tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng; đại, tiểu tiện nơi công cộng bị phạt 1 - 3 triệu đồng…
Quy định trên cho thấy các hành vi vi phạm đều có bản chất và nguyên nhân từ sự lười biếng của người vi phạm. Do đó, theo đúng nguyên tắc, hình thức chế tài được áp dụng ở đây phải là hình thức tạo ra sự bất lợi về sức lao động thì mới đảm bảo sự tương xứng về tính chất. Nhưng do thiếu hụt hình thức chế tài này nên NĐ hiện nay phải áp dụng phạt tiền - một biện pháp không cùng tính chất, không đảm bảo thực thi nguyên tắc xử phạt hành chính.
Hai hình thức xử phạt hành chính hiện nay được áp dụng nhiều nhất là phạt tiền và cảnh cáo, có hiệu quả giáo dục không cao. Bởi xử phạt cảnh cáo là quá nhẹ, trong khi phạt tiền chỉ có tính chất răn đe với người nghèo, còn người giàu sẵn sàng nộp phạt. Thậm chí, có tâm lý cứ sai thì “mua” bằng tiền.
Phạt lao động công ích và giam hành chính là hai hình thức xử phạt đã từng được quy định tại NĐ 143-CP ngày 27-5-1977. Vì vậy, nếu khôi phục, bổ sung 2 hình thức trên sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục của chế tài hành chính. Việc áp dụng 2 hình thức xử phạt này, thay cho phạt tiền, tác động trực tiếp tới ý thức người vi phạm, sẽ làm giảm bớt tâm lý đánh đổi “mua” bằng tiền. Tức người bị xử phạt phải trực tiếp bỏ công sức ra lao động, hoặc bị giam giữ, chứ không thể bỏ tiền ra nộp phạt để đánh đổi cho sự vi phạm.
Sức lao động và tự do là những thứ không thể thay thế được của người vi phạm; còn tiền bạc thì hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí vay mượn để nộp phạt. Qua đó, 2 hình thức xử phạt này giúp việc thi hành xử phạt có tác dụng tích cực hơn trong việc hình thành ý thức pháp luật.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-phat-lao-dong-cong-ich-va-giam-hanh-chinh-624053.html