Cần phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao có thu phí
Bộ trưởng TT-TT cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của các cơ quan báo chí thay vì chỉ dựa trên nguồn thu quảng cáo, đó là thêm phần đặt hàng.
Sáng 8/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Nhiều trường có bể lại không vận hành được
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Khảm (Đoàn Bình Dương) về vấn đề đuối nước trẻ em, Bộ trưởng Bộ Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây tính trong khu vực Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về tỉ lệ trẻ em đuối nước. Từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và tổ chức Hội nghị toàn quốc và có công điện trong đó giao nhiệm vụ chính cho Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm chỉ đạo dạy bơi chống đuối nước trong trường học. Từ đó, 2 năm qua, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ trẻ em đuối nước giảm đi.
Về giải pháp dạy bơi trường học còn nhiều hạn chế nhưng qua kiểm tra và đánh giá của tổ chức y tế thế giới ghi nhận có kết quả bước đầu nên cần tiếp tục khuyến khích thực hiện. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp và bố trí nguồn lực và thiết bị cho trường học.
Về vấn đề dạy bơi an toàn trong trường học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tổ chức dạy bơi, hướng dẫn an toàn dưới nước cho học sinh trong nhà trường.
Hiện nay tổng số trường học có bể bơi trong cả nước chỉ có 2.184 trường. Toàn bộ học sinh từ tiểu học tới THPT được dạy bơi và biết bơi mới đạt 33,59%.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, một trong những khó khăn trong quá trình triển khai việc dạy bơi trong nhà trường đó là nhiều trường không có bể để tập bơi nhưng nhiều trường có bể lại hầu như để đấy, không vận hành được vì thiếu kinh phí. Đây là điểu băn khoăn và cần tháo gỡ trong thời gian tới. Đối với trường công, việc sử dụng khai thác cơ sở vật chất này còn đang vướng mắc. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tích cực khắc phục, giải quyết những bất cập liên quan đến vấn đề này.
Cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế kỹ thuật
Tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là với phát thanh, truyền hình.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, các Thông tư số 3 và Thông tư số 9 của Bộ TT-TT đang gây rất khó khăn cho các cơ quan báo chí. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ TT-TT phải giải quyết vấn đề này trong quý 3, nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được. Vậy đến khi nào thì hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đại biểu Nghĩa cũng chất vấn cần những chính sách đột phá gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây báo chí nguồn thu gần như 100% dựa trên quảng cáo, nên chưa quan tâm nhiều đến vấn đề đặt hàng.
Đến khi mạng xã hội, truyền thông trên mạng xã hội tham gia đã lấy đi 70% nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí. Khi ấy, các cơ quan báo chí thấy vấn đề đặt hàng là quan trọng và khi bắt tay vào làm đặt hàng lại gặp những vướng mắc khó khăn do vướng 3 thông tư liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ TT-TT nhìn nhận, Bộ đã nhận ra được vấn đề này và xin nhận trách nhiệm đã ban hành thông tư, nhưng khi thực hiện gặp khó khăn. Thời gian qua, Bộ trưởng đã chủ động làm việc với các cơ quan báo chí, làm việc với các cơ quan của Bộ TT-TT để tìm ra hướng giải quyết.
Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng cho biết, Bộ TT-TT sẽ sửa 3 thông tư này theo hướng ban hành hướng dẫn để các cơ quan báo chí chủ động xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi các nội dung liên quan đến Nghị định 60 về ban hành giá, để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Trong quý 1/2024, Bộ TT-TT sẽ sửa xong 3 thông tư này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Về lâu dài, Bộ trưởng TT-TT cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của các cơ quan báo chí thay vì chỉ dựa trên nguồn thu quảng cáo, đó là thêm phần đặt hàng. “Cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản cho nên cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động”, Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh. Cùng với đó, cần phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao có thu phí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, mạng xã hội lấy đi 70% nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí nhưng sử dụng khá nhiều sản phẩm báo chí, vi phạm bản quyền báo chí. Cho nên, sắp tới khi sửa đổi quy định, Bộ TT-TT có đưa vào quy định, các mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải có có thỏa thuận với các cơ quan báo chí.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nói về phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: