Cần phòng ngừa biến chứng võng mạc do đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh không lây, nhưng có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng trong những năm gần đây. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ĐTĐ là bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 7 trên thế giới và đang có xu hướng trẻ hóa. Các biến chứng do ĐTĐ gây ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, trong đó có biến chứng gây mù mắt vĩnh viễn nếu không phát hiện kịp thời. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh ĐTĐ, Tiến sĩ - Bác sĩ (TS-BS) Châu Mỹ Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cho biết:
ĐTĐ là bệnh mạn tính đặc trưng, bởi tăng đường huyết không kiểm soát được và thiếu hoặc kháng insulin. Insulin là một nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra giúp điều hòa lượng đường trong máu. Tăng đường máu là một hậu quả của bệnh lý ĐTĐ không được kiểm soát và theo thời gian sẽ dẫn đến những sự phá hủy nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và hệ mạch máu. Tỷ lệ mắc ĐTĐ ngày càng cao trên toàn thế giới và Việt Nam. ĐTĐ cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, 50% số trường hợp ĐTĐ chưa được chẩn đoán và 60% - 70% chưa điều trị đúng cách.
Theo Hiệp hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam (VADE), tỷ lệ gia tăng ĐTĐ ở Việt Nam lên đến 200%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Ước tính cả nước có 7 triệu người mắc bệnh ĐTĐ (ước tính tỷ lệ là 1/20 người lớn có thể mắc ĐTĐ). Bệnh ĐTĐ cũng nằm trong 7 nguyên nhân gây chết người hàng đầu ở Việt Nam. Theo WHO, với các số liệu thống kê được, số người mắc ĐTĐ tăng từ 108 triệu người vào năm 1980 lên 422 triệu người vào năm 2014. Trong đó, có 155 triệu người bị mắc bệnh võng mạc, 20 triệu người bị phù hoàng điểm do ĐTĐ. Tỷ lệ mắc ĐTĐ toàn cầu ở người lớn trên 18 tuổi tăng từ 4,7% năm 1980 lên 8,5% năm 2014; nhanh hơn ở những nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Vào năm 2016, khoảng 1,6 triệu người chết do ĐTĐ.
Tiền Giang với dân số 1,764 triệu người, ước đoán hiện nay có khoảng 85.000 người mắc bệnh ĐTĐ và con số này ngày sẽ tăng nhanh trong những năm tới; đồng thời, người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 sẽ ngày càng trẻ hóa.
* Phóng viên (PV): Một trong những biến chứng của bệnh ĐTĐ gây ra cho mắt là bệnh lý võng mạc. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến biến chứng này và nếu mắc bệnh có nguy hiểm không?
* TS-BS Châu Mỹ Chi: ĐTĐ không kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính, đặc biệt là các biến chứng trên hệ thần kinh và mạch máu. Tại mạch máu lớn sẽ ảnh hưởng tới những tổ chức lớn (mạch tim, mạch não và bệnh mạch ngoại vi). Ở các vi mạch sẽ ảnh hưởng tới các mạch máu nhỏ (bệnh thần kinh, thận và võng mạc).
Ngoài gây ra những biến chứng liên quan tới bệnh, bệnh nhân ĐTĐ có khả năng mắc cao hơn một số bệnh lý kèm theo như bệnh lý tự miễn, ung thư, sa sút trí tuệ, gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan C, viêm tụy, nguy cơ gãy xương, rối loạn cảm giác, hội chứng ngưng thở khi ngủ...
Bệnh võng mạc ĐTĐ là nguyên nhân chính gây mù mắt. Đây là một trong các biến chứng vi mạch của ĐTĐ. Theo WHO tỷ lệ bệnh võng mạc ĐTĐ chiếm từ 20% đến 40% người bị ĐTĐ, giới hạn này tùy theo từng quốc gia và khu vực. Thời gian mắc bệnh ĐTĐ và kiểm soát đường huyết là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh võng mạc ĐTĐ: ĐTĐ tuýp 1 sau 5 năm sẽ có 25% bệnh nhân có bệnh võng mạc ĐTĐ; sau 10 năm tỷ lệ này tăng lên 60%. ĐTĐ tuýp 2 sau 5 năm sẽ có 40% bệnh nhân có bệnh võng mạc ĐTĐ và 2% có bệnh võng mạc ĐTĐ tăng sinh. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và gây mù ở các nước phát triển. Bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ có nguy cơ mù lòa tăng gấp 20 - 30 lần so với người cùng tuổi và giới.
Nếu được chẩn đoán muộn các biến chứng trên mắt bệnh nhân ĐTĐ sẽ dẫn đến giảm thị lực và có thể gây mù lòa, làm ảnh hưởng về kinh tế, tinh thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh võng mạc ĐTĐ có thể làm chậm lại sự suy thoái của thị lực, giảm gánh nặng khi bị mất thị lực trên người bệnh, sự chăm sóc của người thân và toàn xã hội.
Nguyên nhân do đường trong máu không được kiểm soát tốt, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng những mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng võng mạc. Điều này có thể dẫn đến bệnh võng mạc ĐTĐ và mất thị lực. Lượng đường trong máu cao cũng có thể ảnh hưởng đến ống kính của mắt. Với mức đường cao hơn trong thời gian dài, các ống kính của mắt có thể sưng phù, một trong những nguyên nhân gây mờ mắt.
Các yếu tố có nguy cơ mắc bệnh võng mạc ĐTĐ cao hơn nếu kiểm soát lượng đường trong máu kém; thời gian mắc bệnh kéo dài; tăng huyết áp, bệnh thận ĐTĐ; cholesterol máu cao... Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như rối loạn lipid máu, béo phì, hút thuốc lá.
* PV: Bác sĩ có thể cho biết về những triệu chứng của bệnh võng mạc ĐTĐ là gì?
* TS-BS Châu Mỹ Chi: Bệnh võng mạc ĐTĐ là một biến chứng của bệnh ĐTĐ, kết quả từ các mạch máu của mô nhạy sáng ở phía sau của mắt (võng mạc) bị phá hủy. Lúc đầu, bệnh võng mạc ĐTĐ có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ có vấn đề về tầm nhìn nhẹ. Tuy nhiên,về sau bệnh võng mạc ĐTĐ có thể dẫn đến mù lòa.
Bệnh võng mạc ĐTĐ có thể xảy ra cho bất cứ ai có bệnh ĐTĐ. Nhưng người bệnh có thể đã mắc bệnh võng mạc ĐTĐ mà không biết. Vì thực tế, bệnh thường có các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc ĐTĐ mà người bệnh có thể bỏ qua.
Các giai đoạn của bệnh võng mạc ĐTĐ gồm giai đoạn nền với xuất huyết chấm, đám và xuất tiết. Giai đoạn tiền tăng sinh với xuất tiết bông, mạch máu giãn hoặc hình tràng hạt, hẹp tiểu động mạch, xuất huyết đám lớn. Giai đoạn tăng sinh - tân mạch (đĩa thị và võng mạc), bệnh mắt ĐTĐ nặng là tình trạng xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, tân mạch mống mắt. Bệnh hoàng điểm gây thiếu máu hoặc phù hoàng điểm.
Theo các giai đoạn tiến triển của bệnh, thì các triệu chứng bệnh võng mạc ĐTĐ có thể bao gồm: Điểm nổi hoặc dây tối trong tầm nhìn (floaters), mờ mắt, tầm nhìn dao động, khu vực tầm nhìn có điểm tối hoặc trống rỗng, tầm nhìn đêm kém, tầm nhìn khiếm màu sắc, mất tầm nhìn và thường ảnh hưởng tới cả hai mắt.
* PV: Như vậy, làm cách nào để ngăn ngừa biến chứng bệnh lý võng mạc do ĐTĐ gây ra và giai đoạn nào của bệnh ĐTĐ cần phải lưu ý nhiều hơn về biến chứng này, thưa bác sĩ?
* TS-BS Châu Mỹ Chi: Mặc dù ĐTĐ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên nhiều hệ cơ quan cơ thể người. Tuy nhiên, những biến chứng này có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm bằng cách kiểm soát tốt đường máu. Nếu người bị bệnh ĐTĐ kiểm soát lượng đường máu kém thì càng có nhiều khả năng làm cho bệnh võng mạc ĐTĐ phát triển.
Biến chứng về mắt do ĐTĐ có thể phòng tránh được bằng cách phát hiện sớm bệnh, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và khám mắt định kỳ. Nếu có thể, người bệnh cần kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu mình mỗi ngày. Mọi người cần nhớ, nếu chúng ta giữ được lượng đường trong máu càng gần mức bình thường, thì có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc ĐTĐ và làm giảm nguy cơ phải phẫu thuật.
Bên cạnh đó, người bệnh cần kiểm soát huyết áp và lượng cholesterol trong máu. Tăng huyết áp và tăng cholesterol cũng là những nguy cơ gây mất thị lực cao. Hãy ăn uống lành mạnh theo chế độ khuyến cáo, đồng thời tăng cường luyện tập thể dục như một thói quen hằng ngày để đẩy lùi bệnh. Uống thuốc ĐTĐ hoặc tiêm insulin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Vì bệnh võng mạc ĐTĐ tiến triển thầm lặng theo thời gian nên dù bệnh có thể gây tàn phá thị giác nhưng thị lực ban đầu vẫn còn tốt. Điều trị trở nên hiệu quả hơn nếu được chỉ định sớm vì có thể giúp ổn định thị lực. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ tuýp 1 được 5 năm và người bệnh ĐTĐ tuýp 2 ngay khi mới được phát hiện nên khám mắt ngay cả khi tầm nhìn còn tốt để tầm soát bệnh võng mạc ĐTĐ và lập lại mỗi năm tiếp theo, không nên chờ đến giai đoạn nhìn mờ hay có dấu hiệu xuất huyết mới tầm soát.
* PV: Theo bác sĩ, khi muốn tầm soát bệnh võng mạc ĐTĐ người dân có thể đến những cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh Tiền Giang?
* TS-BS Châu Mỹ Chi: Việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh võng mạc ĐTĐ rất quan trọng, góp phần giữ gìn đôi mắt người bệnh. Tại Tiền Giang, Dự án “Chăm sóc mắt toàn diện cho bệnh nhân ĐTĐ khu vực phía Nam…” với nhà tài trợ World Diabetes Foundation và Tổ chức Orbis International đã được triển khai tại tỉnh Tiền Giang. Thông qua dự án đã có các lớp tập huấn nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về xây dựng mô hình quản lý bệnh võng mạc ĐTĐ tuyến tỉnh, huyện được cập nhật những kiến thức mới do cán bộ Tổ chức Orbis International tại Việt Nam thực hiện, góp phần ngăn ngừa tỷ lệ mất thị lực do biến chứng mắt của bệnh nhân ĐTĐ gây ra.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh ĐTĐ được tiếp cận với các dịch vụ khám sàng lọc mắt một cách hiệu quả. Sau 4 năm triển khai, nhiều bệnh nhân ĐTĐ đã được khám và tư vấn miễn phí tại các bệnh viện: Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang, Đa khoa khu vực Cai Lậy, Đa khoa khu vực Gò Công và trung y tế các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy và TP. Mỹ Tho… giúp bệnh nhân ĐTĐ được kiểm tra phát hiện sớm biến chứng võng mạc ĐTĐ, nhằm bảo toàn thị lực.
Nếu bệnh nhân mắc ĐTĐ nên đến các phòng khám, khoa nội tiết của các bệnh viện trên để được chụp hình đáy mắt để sàng lọc bệnh võng mạc ĐTĐ.
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THANH HOÀNG (thực hiện)