Cần phương thức thanh toán hiện đại để phát triển thương mại điện tử
Thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 25-30%, đặc biệt trong năm 2018 phát triển 30%.
Tuy nhiên, mặc dù TMĐT phát triển mạnh nhưng hình thức thanh toán thu hộ, khách hàng trả tiền mặt khi nhận hàng (COD) vẫn đang là hình thức thanh toán khá phổ biến.
Theo Bộ Công thương, giao dịch thanh toán TMĐT theo hình thức COD năm 2018 chiếm đến 88%. Nguyên nhân, là do khách hàng e ngại chất lượng sản phẩm không giống quảng cáo, thông tin cá nhân bị tiết lộ... Vì vậy, để phát triển TMĐT bền vững thì cần những phương thức thanh toán hiện đại...
Chị Nguyễn Thanh Phương (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị bán hàng online sản phẩm giày nữ, mỗi ngày chốt khoảng 50 đơn hàng. Mặc dù chị đăng sản phẩm thật (không qua photo shop chỉnh sửa), nhưng khách hàng vẫn cứ nghi ngờ vì cho rằng, ảnh quảng cáo lúc nào cũng sẽ lung linh hơn sản phẩm thật. Chính vì vậy nên họ đề nghị, khi nào nhận được hàng, kiểm tra thấy đúng như sản phẩm quảng cáo thì lúc đó sẽ thanh toán tiền hàng. Sợ mất khách, lại nghĩ sản phẩm bán y như hình nên chị Phương đồng ý.
Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi. Sau khi gửi hàng cho người mua, không ít trường hợp “bom hàng” khi nhân viên giao hàng đến nơi gọi điện thì khách hàng không bắt máy, hoặc nại ra vô số lý do như: người bán gửi nhầm địa chỉ, họ đặt hàng nhưng đã báo hủy đơn hàng, đi vắng không nhận được hàng...
Một số trường hợp khác thì khách hàng mở ra xem, mang thử sản phẩm... nhưng cuối cùng thì trả lại hàng vì những “lý do”: sản phẩm không đẹp như hình quảng cáo; Nhìn sản phẩm đẹp nhưng mang vào không như ý... Như vậy, người bán không thu được đồng nào từ tiền bán hàng mà tốn chi phí vận chuyển hàng đi, hàng về, chi phí đồng kiểm (nhân viên giao hàng và khách hàng cùng kiểm tra hàng). Chưa kể, hàng hóa khi trả về lại nơi “xuất xưởng” thì chất lượng kém do quá trình vận chuyển, bốc dỡ,...
“Để có đơn hàng, tôi phải bỏ tiền chạy quảng cáo, rồi thêm chi phí vận chuyển, cứ mỗi đơn hàng hoàn trả về tôi mất 40.000 - 50.000 đồng. Rút kinh nghiệm, tôi không áp dụng hình thức cho xem hàng trước khi thanh toán nữa mà chỉ giao hàng rồi nhận tiền. Áp dụng hình thức này, mặc dù mất một lượng khách khá lớn nhưng được cái hàng giao đi, khả năng hoàn trả về rất thấp”, chị Phương chia sẻ.
Nhiều DN cho rằng, con số 88% giao dịch COD (số liệu cộng bố của Bộ Công thương) là rào cản cho TMĐT, khiến chi phí giao vận logistics tại Việt Nam cao hơn nhiều so với khu vực. Chi phí này chiếm 25% GDP Việt Nam, cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (19%), Singapore (8%)...
Vì vậy, để phát triển TMĐT bền vững thì cần có những phương thức thanh toán hiện đại thay thế dần phương thức thanh toán COD. Muốn làm được như vậy thì trước hết phải thay đổi được thói quen của NTD thông qua việc củng cố niềm tin của họ đối với chất lượng, dịch vụ bán hàng qua mạng.
Điển hình như, thông qua công cụ chat, người mua tìm hiểu rõ hơn, dễ dàng hơn về sản phẩm, người bán có cơ hội tư vấn, thuyết phục khách hàng. Hoặc các công nghệ như livestream giúp người bán và người mua có tương tác lẫn nhau...
Tại buổi họp báo giới thiệu “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2019” mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Huy Hoàng - Tổ thư ký chương trình “Gian hàng Quốc gia Việt” cũng khẳng định, hình thức thanh toán COD hiện nay khá phổ biến. Lý do quan trọng nhất đó là NTD không tin tưởng vào sản phẩm mình mua về có đúng như quảng cáo trên mạng hay không.
Trước tình hình đó, ông Hoàng dẫn chứng: “Tại ngày mua sắm trực tuyến, những sản phẩm được niêm yết trên gian hàng quốc gia Việt đã qua thẩm định bởi Bộ Công Thương và được phân phối bởi sàn TMĐT Sendo, Sovo, nghĩa là đã qua một quy trình kiểm duyệt chặt mới đưa lên sàn, thì NTD tin tưởng 100% là hàng chính hãng được phân bởi trực tiếp bởi nhà sản xuất. Do đó, việc thanh toán trực tuyến trên những sản phẩm này là hoàn toàn có thể thực hiện”.
Mặc dù các giao dịch theo hình thức COD chiếm tỷ trọng lớn, nhưng thực tế việc thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử cũng ngày càng tăng. Nhiều DN cho rằng, để khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt thì cần có “tài khoản tạm giữ". Tức là khi khách hàng thanh toán, tiền chưa chuyển ngay về tài khoản của người bán mà ở trạng thái “đóng băng” trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong thời gian tạm giữ, người mua sẽ kiểm tra xem đơn hàng có đúng với yêu cầu không, sau đó xác nhận đồng ý chuyển tiền cho người bán hoặc sau tối đa 7 ngày, tiền mới chuyển về tài khoản của người bán. Đây cũng là hướng đi để phát triển TMĐT.