Cần quản lý chặt chẽ doanh nghiệp xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam
ng Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, từ 1/7/2020, các hoạt động kinh doanh của DN xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam sẽ phải thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Hiện cơ quan thuế đang cùng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh vấn đề này.
Vấn đề toàn cầu
Thương mại điện tử xuyên biên giới có cung cầu hàng hóa hoặc dịch vụ hai chiều từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định. (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo E-Economy SEA 2018 của Tamesek (Singapore), đến năm 2025, quy mô kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD, gấp 3,7 lần so với năm 2018. 33 tỷ USD là con số rất lớn so với quy mô nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, sự bao quát và kiểm soát nguồn thu phát sinh từ hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới chưa có các quy định cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình, Bộ TT&TT, đặt câu hỏi: "Quy mô nền kinh tế số dự kiến đạt 33 tỷ USD. Vậy giá trị đó, nếu tham chiếu vào tình hình hiện tại thì sẽ "chảy" về đâu? Ai sẽ được hưởng lợi bởi con số khổng lồ đó?".
Ông Lưu Đức Huy cho biết, quản lý dòng tiền chỉ là một khâu trong quản lý thuế TMĐT. Đối với việc quản lý hoạt động TMĐT trong nước đã có Nghị định 52 và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT xuyên biên giới là vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
"TMĐT xuyên biên giới có cung cầu hàng hóa hoặc dịch vụ hai chiều từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Do đó, cần phải áp dụng luật thuế cho phù hợp", ông Huy nói.
Song hiện nay, việc quản lý thuế từ các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn nhiều kẽ hở để các DN nước ngoài trốn thuế.
Theo ông Lâm, nếu chỉ thu được thuế của DN trong nước nhưng không thu được của DN xuyên biên giới thì lại thành tình trạng "bảo hộ ngược", tức là DN trong nước phải chịu nhiều quy định bất công hơn hẳn so với DN xuyên biên giới. Trong khi đó, Chính phủ lại phải chịu sức ép lớn về nguồn thu ngân sách.
"Chúng ta không đặt vấn đề DN xuyên biên giới có mang lại lợi ích hay không, vì tất nhiên phát triển mạnh đến mức này thì họ phải tạo ra giá trị rồi. Nhưng cái cần xem xét nghiêm túc là nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật sở tại, trong đó có thuế của các DN xuyên biên giới", ông Lâm nhấn mạnh.
Dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn
Netflix cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)
Ông Lâm cũng cho rằng việc đánh thuế giá trị gia tăng theo mô hình kinh doanh B2C (kinh doanh trên mạng internet giữa DN và khách hàng cá nhân mua hàng phục vụ mục đích tiêu dùng) trực tiếp vào người dùng là điều bình thường.
Lấy ví dụ từ hoạt động của Netflix tại thị trường Việt Nam thời gian qua, ông Lâm cho biết hàng tháng người dùng trả tiền để sử dụng kênh xem phim, cơ quan thuế hoàn toàn có cơ sở để Netflix phải đóng thuế tại Việt Nam, bởi họ có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với trường hợp rất nhiều người dùng Facebook đang mua quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này thông qua thẻ tín dụng cá nhân, sau đó bán hàng hóa được quảng cáo cho người dùng khác thì sao? Đó có được gọi là B2C không? Ai là B, ai là C? Cơ quan quản lý Việt Nam đang tìm cách định nghĩa hình thức giao dịch này và quản lý.
Ông Lưu Đức Huy khẳng định, đối với trường hợp của Netflix, DN này thực sự mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam một cách nghiêm túc. Netflix cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.
Chia sẻ thêm về những điểm mới của Luật Quản lý thuế, ông Huy cho biết theo quy định mới của Luật về hoạt động TMĐT, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng vẫn phải có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Để thực hiện, một trong những nội dung đang được ngành thuế triển khai là đưa việc đăng ký lên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
Theo ông Huy, khi nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đăng ký, kê khai nộp thuế tại Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn. Muốn làm được điều này, điều kiện trước hết là phải có cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại thực hiện khấu trừ.
Qua đó, Luật Quản lý thuế hiện đã có điều 27 quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của các ngân hàng thương mại là: Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Tuy vậy, ông Huy cũng thừa nhận, đây "cũng là vấn đề khó" không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Hiện tại, cơ quan thuế đang cùng Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xác định tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn các đơn vị thực hiện khấu trừ đúng quy định.