Cần quản lý thuốc lá làm nóng bằng luật?
Thuốc lá điếu đã cướp đi hàng triệu sinh mạng trên khắp thế giới và mang lại nhiều gánh nặng xã hội cho các quốc gia và đã đến lúc người hút thuốc cần có một sự lựa chọn tốt hơn trong tiến trình giảm thiểu tác hại thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhiều quốc gia chấp nhận giải pháp giảm thiểu tác hại
Giảm thiểu tác hại, giảm thiểu phơi nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng là lý do chính khiến Cơ quản Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) năm 2020 đã cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng có chứa nguyên liệu thuốc lá khô được kinh doanh với chỉ định MRPT – Điều chỉnh nguy cơ, giảm thiểu phơi nhiễm với các chất độc hại lên cơ thể so với khói của thuốc lá điếu, vì sản phẩm này chứng minh đã loại bỏ được quá trình đốt cháy.
Hiện nay, thuốc lá làm nóng thu hút được người trưởng thành ở nhiều quốc gia bởi được nhận định là ít độc hại hơn so với thuốc lá đốt truyền thống. Cụ thể, với việc không có quá trình đốt cháy nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu truyền thống, nên sản phẩm thuốc lá làm nóng không tạo ra khói mà chỉ tạo ra khí hơi aerosol, giảm thiểu đáng kể hàm lượng các hóa chất gây hại hoặc có tiềm năng gây hại, không tạo ra mùi và tàn thuốc.
Trong thông cáo được phát đi, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khẳng định nguyên nhân gây hại chính từ việc hút thuốc lá bắt nguồn từ quá trình đốt cháy, chứ không phải do nicotin: “Mặc dù không hoàn toàn vô hại, nicotin không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh lý ung thư, phổi và tim mạch – những bệnh lý tước đoạt mạng sống của hàng trăm nghìn người Mỹ mỗi năm”.
Bên cạnh Mỹ, hiện nay trên thế giới đã có 66 nước trên toàn cầu chấp thuận thương mại hóa thuốc lá làm nóng, trong đó có hơn 2/3 quốc gia nằm trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (Framework Convention on Tobacco Control – FCTC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này cho thấy, một phần đáng kể các nước tham gia FCTC đã thay đổi chiến lược nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm tác hại do thuốc lá điếu gây ra cho dù WHO hiện chưa hoàn toàn nhìn nhận về sự phù hợp các sản phẩm thuốc lá không khói đối với sức khỏe cộng đồng.
Đã đến lúc nhìn nhận lại
Tại Việt Nam, thuốc lá thế hệ mới bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 thông qua các kênh xách tay. Trong khi cơ quan quản lý ở vẫn đang tranh cãi về tính độc hại của thuốc lá thế hệ mới thì các sản phẩm này đã được bày bán công khai và rầm rộ thông qua các nguồn hàng xách tay, buôn lậu.
Một khảo sát từ Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, giai đoạn từ tháng 9/2019 - tháng 8/2020, có tổng số 249.410 bài đăng/video quảng cáo liên quan đến các loại thuốc lá điện tử trên mạng xã hội ở Viêt Nam. Trong đó, lượng bài trên Facebook chiếm phần lớn, với hơn 80%.
Với sự hiện diện của thuốc lá thế hệ mới, nhiều chuyên gia và tổ chức đã bày tỏ quan ngại. Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Giám đốc Quỹ Phòng chống thuốc lá, thì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang được ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo và giới thiệu với các thông tin không đầy đủ, sai sự thật và gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Trong khi đó, các tổ chức chống thuốc lá như Health Bridge Canada tại Việt Nam, The Union hay Campaign Tobaco FreeKids đang đưa ra các đề xuất bài trừ các giải pháp giảm thiểu tác hại mà không tính đến tình hình buôn lậu thuốc lá (bao gồm thuốc lá thế hệ mới) đang leo thang từng ngày tại Việt Nam.
Việc đề xuất cấm thuốc lá thế hệ mới còn khiến nhà nước có thể thất thu nguồn thuế rất lớn bởi hiện nay mặt hàng thuốc lá điếu đang chịu mức thuế nhập khẩu 100 - 135% tùy từng khu vực, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế VAT 10%. Trong khi đó, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là mặt hàng có giá trị cao, nếu có chiến lược áp dụng thuế thích hợp thì sẽ có nguồn thu đáng kể từ việc quản lý loại hình sản phẩm này.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-quan-ly-thuoc-la-lam-nong-bang-luat-157087.html