Cần quản lý tốt an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất ban đầu

Hiện nay các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng. Để có các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đến người tiêu dùng thì việc quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm quy mô hộ gia đình có ý nghĩa rất quan trọng. Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng, ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản được Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương chú trọng triển khai, thực hiện.

 Nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh: P.V.T

Nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh: P.V.T

Hiện nay, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Thông tư 17 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản; Quyết định số 32 của UBND tỉnh Quảng Trị về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Qua đó để nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT với UBND cấp huyện, cấp xã, đảm bảo sự thống nhất phù hợp với quy định của pháp luật.

Các cơ sở nhỏ lẻ thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp tham gia ký kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn bao gồm các cơ sở: Chăn nuôi hộ gia đình, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, sơ chế hộ gia đình, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15 mét, cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản bao gói sẵn. Nội dung ký cam kết chủ yếu là: Nguồn nước sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế phải đảm bảo ATTP theo quy định; không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất bảo quản cấm; sử dụng các loại kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt phải bảo đảm theo nguyên tắc 4 đúng; cơ sở phải đảm bảo cách xa với các nguồn ô nhiễm như khu dân cư, bệnh viện, nghĩa trang, khu công nghiệp; các dụng cụ chứa đựng sản phẩm phải làm từ vật liệu phù hợp, đảm bảo sạch sẽ, không gây ô nhiễm cho thực phẩm; có nhật ký theo dõi quá trình sản xuất sơ chế sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất trồng trọt quy mô hộ gia đình của ông Phạm Đình Huyên ở Khóm 1, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng có 3 sào (500m2/ sào) trồng cây màu chuyên cung cấp sản phẩm rau ăn lá ra thị trường. Ông Huyên cho biết, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ông đã ký cam kết cơ sở sản xuất đảm bảo ATTP trước khi đưa ra thị trường. “Gia đình tôi nghiêm chỉnh chấp hành các nội dung trong ký cam kết để đảm bảo sức khỏe bản thân mình và người tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất, nếu cây trồng bị sâu bệnh, tôi đều đến Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện nhờ tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV đảm bảo 4 đúng”, ông Huyên nói.

Ông Trần Thanh Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng cho biết: Thực hiện Quyết định số 32 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nông, lâm, ngư nghiệp, trên địa bàn thị trấn có khoảng 500 hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Để đồng hành với người dân trong việc cam kết vệ sinh ATTP, UBND thị trấn đã đến từng hộ dân ký cam kết. Hiện nay đã có 487/500 hộ ký cam kết. UBND thị trấn phối hợp với các HTX, tổ hợp tác, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm chăn nuôi và thú y để tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc, phân bón, chất cấm trong chăn nuôi đảm bảo an toàn trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường.

Tại huyện Hải Lăng, để quản lý chất lượng, ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, thời gian qua Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản triển khai nhiệm vụ tại Quyết định số 32 của UBND tỉnh. Ông Đào Văn Trẫm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “Đến nay đã ký cam kết với 3.634 hộ, đạt tỉ lệ trên 70%. Chúng tôi đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tích cực tuyên truyền vận động, giúp người sản xuất hiểu rõ và thực hiện ký cam kết đạt tỉ lệ cao trong năm nay”.

Thực tế cho thấy, quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Những cơ sở này phân tán, dàn trải rộng khắp tại các địa phương và cung ứng khoảng 70% lượng thực phẩm thiết yếu trên thị trường. Trên địa bàn tỉnh đến nay có 16.496 cơ sở thuộc đối tượng triển khai thực hiện Quyết định số 32 của UBND tỉnh, trong đó có 13.094 cơ sở đã ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, tỉ lệ ký cam kết chiếm 79,4%.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng nông sản, góp phần bảo đảm vệ sinh ATTP, thời gian qua Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã chú trọng công tác quản lý chất lượng, ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, kịp thời phát hiện sai phạm, yêu cầu cơ sở sản xuất vi phạm phải có giải pháp khắc phục, không để tái diễn. Các địa phương đã thực hiện việc kiểm tra các nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tại các xã, phường, thị trấn theo đúng quy định và có lưu hồ sơ thực hiện việc kiểm tra. Kết quả lấy mẫu giám sát ATTP đối với các sản phẩm rau, củ quả, thịt, sản phẩm từ thịt và thủy sản lưu thông trên thị trường do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh thực hiện hằng năm có tỉ lệ các mẫu vi phạm an toàn thực phẩm giảm dần qua từng năm: Năm 2017 là 3,07%; năm 2018 là 2,54%; năm 2019 là 0,46%; năm 2020 là 0,34%.

Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về chất lượng và ATTP trong nông nghiệp, trước hết cần quản lý tốt ATTP từ khâu sản xuất ban đầu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, nuôi trồng, sơ chế, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Cần triển khai có hiệu quả Thông tư 17/2018/TTBNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. UBND cấp huyện tiếp tục chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức người dân tại địa bàn ký cam kết về sản xuất, kinh doanh sản phẩm đảm bảo ATTP; tăng cường kiểm tra giám sát việc UBND cấp xã tổ chức ký cam kết, xử lý các cơ sở vi phạm các nội dung đã ký cam kết. “Trong thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tập huấn, hướng dẫn, tổ chức giám sát chặt chẽ vùng sản xuất nguyên liệu, tăng cường lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Thặng cho hay.

Phan Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157357&title=can-quan-ly-tot-an-toan-thuc-pham-tu-khau-san-xuat-ban-dau