Cần quản lý tốt sản xuất rượu thủ công
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra những vụ ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ngày 21-2-2020, UBND tỉnh ban hành Công văn số 373/UBND-TH về việc triển khai thực hiện Thông tư số 26/2019/TT-BCT ngày 14-11-2019 của Bộ Công Thương quy định biểu mẫu kê khai của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, việc triển khai thông tư này còn nhiều hạn chế, cần sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan và cả của người dân.
Mỗi ngày, hộ bà Trần Thị Lan ở tổ 7, khu phố Tân Trà 1, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài bán ra khoảng 20-30 lít rượu, trung bình rượu từ 250 trở lên, độ rượu nặng, nhẹ tùy theo yêu cầu của khách. Theo bà Lan, gia đình có thâm niên nấu rượu thủ công hơn 20 năm nay. Hằng ngày, bà nấu 2 nồi cơm rượu. Cơm chín được đổ ra bạt để nguội, trộn men, ủ khoảng 8 ngày mới chưng cất lấy rượu. Gạo và men nấu rượu được bà Lan chọn lựa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khách hàng là những người quen, hàng xóm hoặc các mối gần nhà. Giá 1 lít rượu bán ra khoảng từ 17-25 ngàn đồng tùy theo độ rượu, cũng như loại rượu. Bà Lan chia sẻ: “Tôi nghĩ mình nấu bán cho người thân quen nên không đăng ký kê khai. Giờ được cán bộ hướng dẫn các thủ tục cần thiết để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi thấy rất thiết thực. Tôi sẽ sớm đăng ký các giấy tờ liên quan”.
Còn hộ ông Phan Văn Tùng ở tổ 5, khu phố Tân Trà, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài nấu mỗi ngày hơn 100 lít rượu. Hiện rượu của gia đình ông Tùng được bán cho các cửa hàng tạp hóa, quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP. Đồng Xoài. Ông Tùng cho biết: “Gia đình tôi nấu rượu đã hơn 30 năm, thương hiệu của tôi là rượu Liên Sơn”. Thế nhưng, khi cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng TP. Đồng Xoài tới kiểm tra thực tế thì ông mới chỉ được cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh, còn thiếu giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
Trong khi đó, hộ ông Nông Văn Giang ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú đã đăng ký kinh doanh, sản xuất rượu từ năm 2018 và được UBND huyện Đồng Phú cấp giấy phép hoạt động đầy đủ. Quy trình sản xuất rượu của gia đình ông đảm bảo các tiêu chí cần thiết. Rượu thành phẩm của gia đình ông Giang cũng được bán cho các tiểu thương, tiệm tạp hóa, quán ăn trong khu vực và chưa để xảy ra sự cố nào liên quan đến chất lượng rượu.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện triển khai bằng văn bản; tham mưu các tổ chức, đặc biệt là các ban, ngành ở cơ sở tuyên truyền, vận động người dân, các hộ kinh doanh, sản xuất rượu phải đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện nghĩa vụ đăng ký cấp giấy phép nấu rượu thủ công.
Ông PHẠM XUÂN THẠCH, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đồng Phú
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Kinh tế và Hạ tầng TP. Đồng Xoài, trên địa bàn thành phố có khoảng 132 hộ nấu rượu thủ công, đa số không đăng ký sản xuất, kinh doanh hoặc có đăng ký nhưng chưa đầy đủ theo quy định. Tại huyện Đồng Phú, theo báo cáo của cơ quan chức năng, mới có 5 cơ sở nấu rượu thủ công được UBND huyện cấp giấy phép. Tuy nhiên, các hộ này vẫn sản xuất, bán rượu với quy mô khác nhau cho các đối tượng khách hàng, đầu mối tiêu thụ.
Đến nay, Bình Phước chưa để xảy ra những vụ ngộ độc rượu lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng con người. Tuy nhiên, nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chưa kiểm soát hết các hộ sản xuất, nấu rượu thủ công. Sở Công Thương cũng chưa thống kê được con số chính xác, đầy đủ các hộ nấu rượu thủ công trong toàn tỉnh. Đây là những hạn chế cần sớm khắc phục để cơ quan chức năng có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo Thông tư số 26/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương, qua đó hạn chế những vụ việc đáng tiếc về ngộ độc rượu do không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/136846/can-quan-ly-tot-san-xuat-ruou-thu-cong