Cần quan tâm các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động

Tại phiên thảo luận Tổ trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, các đại biểu đã đề xuất cần có thêm chính sách về chế độ bảo hiểm xã hội, xem xét giảm tuổi nghỉ hưu đối với lao động đặc thù trong ngành May. Đồng thời cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động.

Sáng 16/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu, 164 đại biểu dự Trung tâm thảo luận số 2 đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028; dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; dự thảo văn kiện Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Quan tâm hơn nữa đến đời sống đoàn viên, người lao động

Đáng chú ý, bên cạnh việc cơ bản nhất trí với dự thảo các văn kiện, các đại biểu đã làm rõ thêm những kiến nghị, đề xuất để LĐLĐ Thành phố tham mưu, góp ý Tổng LĐLĐ Việt Nam có thêm những chính sách chăm lo, đảm bảo đời sống hơn nữa cho đoàn viên, người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể kiến nghị, Công đoàn cần tham mưu để Chính phủ xem xét giảm tuổi nghỉ hưu đối với ngành nghề đặc thù như ngành may mặc, giáo viên mầm non. Đồng thời quan tâm đến mức hưởng chế độ bảo hiểm cho người lao động, đảm bảo cuộc sống cho họ khi nghỉ hưu.

Tổ thảo luận số 2 tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội.

Tổ thảo luận số 2 tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội.

“Hiện nay, mức lương hưu của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng phần trăm mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm xã hội và mức tối đa được hưởng là 75%. Theo số liệu, hiện nay chưa đến 60% đoàn viên nghỉ hưu nhận được mức hưởng tối đa. Do vậy, mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu của người lao động cần được tăng lên”, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm đề xuất.

Cũng liên quan đến chính sách cho đoàn viên, người lao động, Chủ tịch Công đoàn UBND xã Đức Giang (LĐLĐ huyện Hoài Đức) Cao Văn Đoàn cho biết, năm học 2023 - 2024, trên địa bàn huyện có 80 trường công lập ở 3 cấp học, chiếm 50% số lượng đoàn viên công đoàn trên toàn huyện. Hiện nay, Nhà nước đã thực hiện chính sách tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, với các nhân viên nuôi dưỡng, bảo vệ tại các trường công lập vẫn ở mức lương thấp khoảng 2,7 triệu đồng/tháng đối với người mới vào làm việc, 4,3 triệu đồng/tháng với người đã công tác từ 10-15 năm.

“Mức lương thấp khiến nhân viên nuôi dưỡng, bảo vệ không đảm bảo cuộc sống gia đình, mặt khác lại gặp nhiều khó khăn khi làm việc trong điều kiện nóng bức mùa hè, nước lạnh mùa đông. Thực tế đã có nhiều trường hợp nhân viên nuôi dưỡng xin nghỉ việc. Do vậy, tổ chức Công đoàn cần có kiến nghị, chính sách quan tâm hơn nữa đến đoàn viên làm trong lĩnh vực này”, Chủ tịch Công đoàn UBND xã Đức Giang nói.

Đồng chí Cao Văn Đoàn cũng cho rằng, hiện nay, Hà Nội là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung đông đảo công nhân lao động. Tuy nhiên, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, Công đoàn và cơ quan nhà nước cần quan tâm bố trí đầu tư các cây ATM rút tiền; quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp cần bố trí xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người lao động; tạo điều kiện, xây dựng nhà ở xã hội để công nhân lao động được an cư lạc nghiệp, giảm bớt chi phí sinh hoạt.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Lê Văn Đại thảo luận về đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Lê Văn Đại thảo luận về đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Tham gia thảo luận, đồng chí Trần Văn Toàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao su Inoue Việt Nam (LĐLĐ huyện Mê Linh) chia sẻ, Hà Nội cần nhiều nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề. Khi lao động làm việc tại Hà Nội, con của công nhân lao động được tạo điều kiện học hành nhưng khi đến cấp 3 lại không được thi vào các trường THPT công lập. Do vậy, Công đoàn cơ sở kiến nghị Thành phố tạo điều kiện cho con lao động ngoại tỉnh có cơ hội học ở các trường công lập…

Chắt lọc ý kiến góp phần làm chặt chẽ hơn nữa các văn kiện của Đại hội

Trực tiếp góp ý vào các văn kiện của Đại hội, các đại biểu cơ bản nhất trí và đánh giá cao các văn kiện đã có kết cấu rõ ràng, có sự đổi mới về bố cục, thể hiện được quan điểm tư duy mới, có tính khoa học.

Thảo luận về đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Lê Văn Đại cho rằng, chất lượng và số lượng nhân sự đã hợp lý, cơ cấu nhân sự theo đúng hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn Lê Văn Đại tin rằng các đại biểu cùng chung ý chí, với trách nhiệm của mình sẽ lựa chọn được Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII là những đồng chí ưu tú.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Công đoàn khóa XVI, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể cho rằng báo cáo đã tổng quát kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua; xác định các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát nhiệm kỳ 2023 - 2028; tập trung phân tích tình hình thực hiện thời gian qua, kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Trong đó, 3 khâu đột phá: Xây dựng đội ngũ Chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn đánh dấu sự đổi mới và hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu của tổ chức Công đoàn Thủ đô.

Đại biểu đóng góp ý kiến về các chính sách chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Đại biểu đóng góp ý kiến về các chính sách chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Đồng chí Nhâm Ngọc Quyến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV và dịch vụ Hữu Linh đã cho ý kiến về dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung). Theo đó, về đoàn viên, tại Điểm h, Khoản 1, Điều 2 của Điều lệ Công đoàn nêu: "Đoàn viên bị mất việc làm, được tạm dừng sinh hoạt công đoàn và tạm dừng đóng đoàn phí, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày mất việc" cần có hướng dẫn trình tự, thủ tục cụ thể để dễ áp dụng và bổ sung trường hợp bị mất việc làm trên 12 tháng.

Tại Điểm i, Khoản 1, Điều 2 của Điều lệ Công đoàn nêu: "Được nghỉ sinh hoạt Công đoàn khi nghỉ hưu, được Công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và công đoàn địa phương nơi cư trú giúp đỡ khi có khó khăn; được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí, ban liên lạc hưu trí do Công đoàn hỗ trợ". Đề nghị bỏ cụm từ "Công đoàn địa phương", vì trong Điều lệ không có cấp "Công đoàn địa phương".

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 của Điều lệ Công đoàn nêu: "Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, xem xét, quyết định công nhận hoặc kết nạp đoàn viên công đoàn". Đề nghị thống nhất cụm từ "công nhận đoàn viên Công đoàn", thành 1 cụm từ " kết nạp đoàn viên Công đoàn".

Đối với Công đoàn cơ sở mới thành lập, thời gian kết thúc nhiệm kỳ theo thời gian của của Công đoàn cấp trên trực tiếp.Trường hợp khi Công đoàn cơ sở được thành lập mà thời gian kết thúc nhiệm kỳ của Công đoàn cấp trên trực tiếp còn dưới 18 tháng thì nhiệm kỳ của Công đoàn cơ sở thực hiện theo nhiệm kỳ kế tiếp của Công đoàn cấp trên trực tiếp." Đề nghị thay cụm từ "dưới 18 tháng" thành cụm từ: "từ 30 tháng trở xuống", vì để thống nhất với nội dung đã quy định tại Khoản 2 Điều 8, Điều lệ Công đoàn Việt Nam: Công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội của Công đoàn cấp dưới cho phù hợp.

Ngoài các nội dung trên đồng chí Nhâm Ngọc Quyến cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần ban hành Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ kịp thời nhằm thống nhất trong triển khai thực hiện. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ cuối tháng 9/2018 nhưng đến tháng 2/2020 mới có Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ, vì vậy còn bất cập và gặp khó khăn trong triển khai thực hiện tại các cấp Công đoàn. Đồng thời khi ban hành Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ cần hạn chế những sai sót tránh việc phải đính chính nhiều lần.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-quan-tam-cac-chinh-sach-ve-tien-luong-bao-hiem-xa-hoi-cho-nguoi-lao-dong-161580.html