Cần quan tâm đến chất lượng các công trình đầu tư công

Đó là ý kiến của nhiều thành viên Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) - HĐND tỉnh Tiền Giang khi đến làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Tiền Giang trong ngày 30-3.

Tham gia Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT.

Theo Sở GD&ĐT, trong giai đoạn 2016 - 2021, Sở GD&ĐT được đầu tư 24 dự án; trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư 13 dự án, Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư 11 dự án. Trong quá trình triển khai các dự án, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn thực hiện các khâu như: Thiết kế, thẩm định, trình phê duyệt, lựa chọn nhà thầu thi công, giám sát thi công, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đúng theo quy định pháp luật, chất lượng công trình được đảm bảo.

TS. Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát.

TS. Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã tập trung xây dựng mới nhiều phòng học, phòng hành chính quản trị, phòng thực hành thí điểm, thay thế dần các phòng học xuống cấp nặng đáp ứng sự gia tăng học sinh; xây dựng các công trình phụ, nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch sử dụng trong nhà trường. Việc triển khai các dự án xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tạo nên nhiều ngôi trường khang trang, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường và đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục...

Quang cảnh buổi làm việc tại Sở GD&ĐT.

Quang cảnh buổi làm việc tại Sở GD&ĐT.

Đối với Sở VHTTDL, giai đoạn 2016 - 2021, Sở được đầu tư 18 công trình thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao (9 công trình thuộc lĩnh vực thể thao và 9 công trình thuộc lĩnh vực văn hóa), với tổng kinh phí 116,425 tỷ đồng; trong đó, có 1 công trình nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (Công trình tu bổ tôn tạo di tích đình Mỹ Lương, huyện Cái Bè giai đoạn 2 với kinh phí 6,4 tỷ đồng).

Các công trình tu bổ, sửa chữa di tích lịch sử văn hóa, sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng đã góp phần chống xuống cấp để bảo tồn di tích, cải tạo cảnh quan khu vực và góp phần thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch và các quy định của Luật Di sản; đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cũng như rèn luyện sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân phát biểu tại buổi làm việc với Sở VHTTDL.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Vân phát biểu tại buổi làm việc với Sở VHTTDL.

Sau khi nghe 2 ngành báo cáo, các thành viên Đoàn giám sát có ý kiến trao đổi, đề nghị lãnh đạo 2 đơn vị giải trình, làm rõ các nội dung như: Chất lượng công trình; việc vận hành các cơ sở vật chất, thiết bị máy móc được đầu tư; những khó khăn, vướng mắc sau khi dự án kết thúc...

Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Đức Đảm phát biểu tại buổi làm việc.

Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Đức Đảm phát biểu tại buổi làm việc.

Theo các thành viên Đoàn giám sát, qua khảo sát thực tế tại các công trình cho thấy, một số công trình dù mới đưa vào sử dụng 3 - 5 năm nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, một số vị trí bong tróc, thấm nước; đề nghị chủ đầu tư, lãnh đạo 2 sở quan tâm đến chất lượng công trình.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, nhiều công trình từ những thập niên trước như Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng hàng trăm năm chất lượng rất tốt, nhưng công trình hiện nay rất nhanh xuống cấp, không ít công trình vừa hết thời gian bảo hành thì cũng hư hỏng phải sửa chữa, dặm vá rất tốn kém. Đặc biệt, các công trình xây dựng cơ bản trong trường học thì càng phải quan tâm chọn đơn vị thi công sao phải đảm bảo chất lượng, để bảo đảm an toàn cho các em học sinh khi vào sử dụng.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Sở VHTTDL.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Sở VHTTDL.

Cho ý kiến đối với các công trình trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, đồng chí Trần Thanh Nguyên cho rằng, đối với các di tích lịch sử văn hóa, cần quan tâm trùng tu kịp thời, không ít di tích xuống cấp, thiếu người quản lý nhìn rất xót xa. Mặt khác, các công trình văn hóa, kiến trúc cổ mang điểm nhấn cho tỉnh vẫn chưa nhiều, đề nghị Sở VHTTDL tiếp tục rà soát các di tích lịch sử văn hóa vừa bảo tồn bảo tàng nhưng vừa phải làm sao gắn với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Tiền Giang trong thời gian tới...

Quang cảnh buổi làm việc với Sở VHTTDL.

Quang cảnh buổi làm việc với Sở VHTTDL.

Trưởng Ban VH-XH - HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, rất chia sẻ với 2 ngành GD&ĐT và VHTTDL đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Mục đích Đoàn giám sát tổ chức giám sát thực tế với mong muốn tìm hiểu các công trình đầu tư công đã được khai thác hiệu quả ra sao, còn có những hạn chế, khó khăn gì để kịp thời trao đổi với các ngành, UBND tỉnh tháo gỡ.

Đồng thời, cho rằng lãnh đạo 2 ngành cần rà soát lại những khó khăn vướng mắc, nhất là công tác quản lý việc khai thác vận hành các công trình như hồ bơi, các thiết chế văn hóa, thể thao. Nếu trung ương quy định mà địa phương gặp khó thì sở có thể đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang hỗ trợ có ý kiến với các bộ, ngành trung ương để được xử lý, tránh đầu tư xong không khai thác hiệu quả gây lãng phí ngân sách.

Về phía Đoàn giám sát ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của 2 ngành và sẽ có ý kiến với lãnh đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

HOÀI THU

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202203/can-quan-tam-den-chat-luong-cac-cong-trinh-dau-tu-cong-947431/