Cần quan tâm đúng mức sân chơi cho trẻ em dịp hè
Bước vào kỳ nghỉ hè cùng với niềm vui của con trẻ được xả hơi sau một năm học tập là nỗi lo lắng của cha mẹ học sinh trong việc tìm kiếm sân chơi an toàn, bổ ích cho các em mỗi khi hè về.
Vừa thiếu lại vừa yếu
Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, nhất là các chung cư, diện tích dành làm khu vui chơi cho trẻ hạn hẹp; thậm chí là không có, nếu có thì không đảm bảo chất lượng. Trên nhiều tuyến phố, trẻ em phải chơi ở khu vực vỉa hè, gần với mặt đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Một số khu vui chơi còn bị sử dụng sai mục đích như làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe. Khi sân chơi của trẻ bị chiếm dụng thì niềm vui duy nhất ở nhà của trẻ là các thiết bị điện tử.
Chị Lan Hương trú tại quận Nam Từ Liêm bày tỏ, con gái 3 tuổi thì còn gửi được tại các nhà trẻ tư nhưng bé trai 7 tuổi vừa học xong lớp 1 thì chưa biết phải xoay xở thế nào. Hiện anh chị phải nhờ bà nội ở quê lên vừa trông nom nhà cửa vừa trông cháu vì bố mẹ đi làm suốt.
Làm việc tại cơ quan mà lúc nào cũng lo lắng, thường xuyên phải gọi điện thoại về nhà và soi camera xem cháu đang làm gì. Chị Hương cũng đã tham khảo một số trại hè nhưng mức phí khá cao và các trại hè cũng chỉ tổ chức trong vài tuần hoặc một tháng.
Anh Chiến ở một khu chung cư tại quận Hoàng Mai chia sẻ, sân chơi ở đây vào buổi chiều cũng là nơi các ông bà luyện tập thể thao, đôi khi còn có tiếng âm nhạc mở rất to. Không gian vui chơi đúng nghĩa cho trẻ em gần như không có.
Do vậy năm nay chắc cũng giống như mọi năm anh Chiến sẽ gửi con về ông bà ở quê một thời gian rồi lại đưa con xuống Thủ đô để đi học thêm vào dịp hè. Nếu “nhốt” con ở nhà thì chắc chắn các con sẽ vùi đầu vào máy tính, chơi game...
Thực tế ở Hà Nội có không ít khu vui chơi với cơ sở vật chất hiện đại nhưng được xây dựng với mục đích kinh doanh, không phải gia đình nào cũng có điều kiện và thời gian cho con đến chơi ở những nơi như vậy.
Trong khi đó, những không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho các em rất thiếu, là trăn trở của không ít bậc phụ huynh. Số sân chơi hiện có chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu và sức hút chưa cao.
Nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng vào mục đích khác cho nên trẻ em không thể tiếp cận hoặc bị hàng quán lấn chiếm, hoặc sân chơi không bảo đảm an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn.
Một số lại xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ trẻ bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại. Thiết kế của sân chơi không phù hợp và chưa đáp ứng cho các em ở các độ tuổi.
Không chỉ nội thành, tại khu vực ngoại thành, thiếu sân chơi cho trẻ em cũng là thực trạng chung nhiều năm nay... Thiếu sân chơi không chỉ hạn chế khả năng vận động để giúp trẻ phát triển toàn diện, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Mở rộng mô hình sân chơi công cộng cho trẻ em
Nói về nguyên nhân thiếu không gian vui chơi cho trẻ, nhiều ý kiến cho rằng do sự thiếu quan tâm đồng bộ từ các cấp có thẩm quyền, nơi nào được quan tâm thì trẻ em có sân chơi, trang thiết bị được quản lý; trẻ em được giám sát và bảo vệ còn những nơi không được quan tâm thì sân chơi chỉ là hình thức.
Bên cạnh đó là việc bố trí nguồn kinh phí còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở còn thiếu và hạn chế do phải kiêm nhiệm nhiều công việc…
Vì vậy để xây dựng và mở rộng mô hình sân chơi công cộng cho thiếu nhi cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, các ngành. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để phát huy vai trò, tạo hiệu quả trong việc quản lý đoàn viên, thanh niên ở cơ sở và phụ trách thiếu nhi trong các kỳ sinh hoạt hè.
Việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, tài trợ cho các sân chơi trẻ em là vô cùng cần thiết để bảo đảm mọi trẻ em đều được vui chơi giải trí, đều được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Trao đổi với PV, một chuyên gia tâm lý cho biết, trẻ em ở thành phố hiện nay có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những thiết bị công nghệ và máy móc. Cho nên khi không có không gian chơi lý tưởng, trẻ sẽ vùi mình vào điện thoại, máy tính bảng hay những trò chơi mang tính bạo lực, những thông tin không thể kiểm soát được nội dung.
Chính điều này tác động rất lớn đến tâm lý và tính cách của trẻ, khiến trẻ bị cô lập, không hòa đồng; thêm nữa, ánh sáng điện tử ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.
Mùa hè chính là thời điểm lý tưởng để các em được tham gia các hoạt động cộng đồng. Đã đến lúc cần nhiều hơn những hành động thiết thực từ các cơ quan quản lý để có được những sân chơi hợp lý cho trẻ mỗi khi mùa hè tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, hiện trên địa bàn thành phố có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý.
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó xác định, cải tạo nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận. Hoàn thành xây dựng mới 6 công viên trong giai đoạn 2021 - 2025.
UBND TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công viên theo đúng kế hoạch 9 công viên xây mới. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.
Thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề trong thời gian tới.