Cần quan tâm tới an toàn giao thông cho người đi bộ

Thảo luận tại tổ về 2 dự án luật: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ngày 11/11, nhiều đại biểu cho rằng, việc tách 2 dự thảo luật nói trên từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành cần đảm bảo hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời cần phải quan tâm tới giao thông tĩnh và phần đường cho người đi bộ…

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, phát biểu tại tổ. Ảnh quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, phát biểu tại tổ. Ảnh quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau với việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật nói trên. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tách này là không hợp lý vì không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo về kỹ thuật lập pháp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm lý giải việc tách ra 2 luật từ Luật Giao thông đường bộ nhằm giải quyết 2 vấn đề quan trọng và rất bức xúc trong xã hội hiện nay. Thứ nhất, phải tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ. Thứ 2 là làm sao giải quyết trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bởi theo ông Tô Lâm, thực trạng mât an toàn giao thông đường bộ là rất lớn; tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến, tràn lan, chỉ cần ra đường là có thể nhìn thấy người vi phạm an toàn giao thông.

Phát biểu tại Tổ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, cho rằng: Việc tách dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ làm 2 luật cần đảm bảo hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Trong đó, một số khái niệm cần rà soát lại sao cho hiệu quả, như đường đô thị là đường có vỉa hè và lòng đường; tuy nhiên, một số đường đô thị không có vỉa hè, bước từ nhà ra là lòng đường nên cần làm rõ hơn.

Với một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng, các dự thảo luật chủ yếu đề cập về xe cơ giới; nhưng không nói đến việc dành đường cho người đi bộ. Trái ngược với các nước đề cập rất rõ việc ưu tiên dành đường cho người đi bộ. Còn ở Việt Nam , phần đường dành cho người đi bộ không được đề cập trong luật mà chỉ chủ yếu là dành cho xe máy, ô tô, xe bus, xe taxi... Vì thế, trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần chú trọng đến việc đảm bảo phần đường dành cho người đi bộ, cho người tàn tật, người đi xe đạp...

Cũng quan tâm tới đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, cho rằng: Hiện nay, các trường hợp thi công các công trình dân sự như nhà ở, khu thương mại, hành chính… đang ảnh hưởng tới công trình giao thông đường bộ. Đặc biệt là các nhà mặt phố xây dựng tùy tiện, không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu nào về việc bảo đảm lối đi tối thiểu an toàn cho người đi bộ.

Phiên thảo luận tại tổ. Ảnh quochoi.vn

Phiên thảo luận tại tổ. Ảnh quochoi.vn

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn ĐQBH tỉnh Nghệ An, phân tích: Tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông còn chưa đạt quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành là từ 16% đến 25%. Hiện nay, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông chỉ dưới mức 9%; chính vì thế dẫn tới ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Mặt khác, hiện nay, ở các đô thị còn tình trạng xe đỗ trên vỉa hè, dưới lòng đường gây nên ùn tắc giao thông. Vì thế, trong dự án Luật cần quan tâm đến giao thông tĩnh ở đô thị và nên có quy định rõ hơn về bãi đỗ xe ở nơi công cộng.

HH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-quan-tam-toi-an-toan-giao-thong-cho-nguoi-di-bo-20201111160626087.htm